Vietcombank: Tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường

PV.

(Tài chính) Với việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay kể từ ngày 6/5/2103, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục là một trong số ít ngân hàng tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên FinancePlus.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank
Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank

Trong bối cảnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ấn định trần lãi suất huy động VND ở mức 7,5%/năm, cơ sở nào để Vietcombank quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với quy định của  NHNN, thưa ông?

Việc Vietcombank chủ động giảm lãi suất huy động căn cứ trên 3 lý do chính sau đây:

Thứ nhất, mặc dù lãi suất huy động trong thời gian qua liên tục giảm, nhưng nguồn vốn huy động của Vietcombank vẫn tăng trưởng khá. Một yếu tố nữa là thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì tốt trong thời gian khá dài, trong khi đó tín dụng vẫn hết sức trì trệ. Do vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động là phù hợp với tình hình thanh khoản của ngân hàng cũng như tình hình thị trường nhằm tiếp tục tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thứ hai, khó khăn lớn nhất của nhiều ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Tuy nhiên, thực tế khó khăn nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay quá thấp. Để cải thiện vấn đề này, mấu chốt là giảm lãi suất huy động. Hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.

Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, cần có ngân hàng thương mại (NHTM) đi tiên phong trong việc giảm lãi suất để tạo yếu tố cạnh tranh và định hướng. Việc Vietcombank chủ động giảm lãi suất không chỉ xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của ngân hàng mà còn nhằm thực hiện định hướng chỉ đạo của của Chính phủ và NHNN về việc giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn xuyên suốt trong thời gian qua.

Hiện nhiều NHTM vẫn đang áp dụng các hình thức khuyến mại để thu hút tiền gửi, trong khi Vietcombank lại giảm mạnh lãi suất huy động, liệu có ảnh  hưởng  đến kế hoạch thu hút  tiền  nhàn  rỗi gửi  vào Vietcombank?

Trước bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đang có nhiều điểm sáng, tạo dư địa để lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới. Cùng với đó, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng…hiện rất bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao nên nguồn tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng. Do vậy, chúng tôi tin tưởng rằng dù giảm lãi suất huy động nhưng với vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam với nền tảng tài chính vững mạnh, gửi tiền tại Vietcombank sẽ vẫn là kênh đầu tư an toàn, là lựa chọn ưu tiên của người dân và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay.

Việc Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng nhằm mục đích khuyến khích người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào các kỳ hạn dài hơn, tạo điều kiện ổn định nguồn vốn cũng như tiền đề để thực thi các chính sách tín dụng dài hơi hơn.

Không chỉ giảm lãi suất huy động, Vietcombank còn luôn chủ động đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay. Với động thái lần này, Ông có quan ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu kết quả kinh doanh của Ngân hàng đã  đặt ra trong năm?

Nhìn về ngắn hạn, việc giảm lãi suất ít nhiều đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vietcombank. Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp vẫn khát vốn hiện nay, chúng tôi cho rằng việc giảm lãi suất huy động để làm tiền đề giảm lãi suất cho vay là cần thiết  để khơi thông dòng vốn. Doanh nghiệp có khoẻ  thì nền kinh tế mới mạnh, và hoạt động của ngân hàng mới thông suốt và ổn định. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng giảm lãi suất cho vay thì tín dụng sẽ đưa ra được nhiều hơn, giúp nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng khởi sắc hơn, dẫn đến các hoạt động dịch vụ của ngân hàng phát triển tốt hơn, từ đó bù đắp ngược lại cho hoạt động tín dụng.

Do đó, chúng tôi đã chủ động giảm lãi suất thông qua việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay niêm yết cũng như thông qua các chương trình cho vay ưu đãi trong thời gian qua không chỉ nhằm tri ân các khách hàng truyền thống đã gắn bó với thương hiệu Vietcombank suốt trong những năm qua mà còn hướng đến mục tiêu ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Việc giảm lãi suất huy động của Vietcombank cũng nhằm giúp thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Chúng tôi tin rằng đây là bước đi đúng đắn và tiên phong, đón đầu được chủ trương của Chính phủ và NHNN. Uy tín và vị thế của Vietcombank là nền tảng để Vietcombank có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong việc huy động đối với các ngân hàng khác trên thị trường. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng thực hiện hàng loạt các biện pháp khác như cắt giảm tối đa các chi phí hoạt động của ngân hàng, tích cực phát huy tinh thần thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời đẩy mạnh phát triểu nhiều mảng hoạt động khác để giảm thiểu chi phí và bù đắp mức giảm lợi nhuận trên.

Nhiều quan điểm cho rằng, nên bỏ trần lãi suất huy động để ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn, đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng. Quan điểm của Ông về vấn đề thế này như thế nào?

Trong bối cảnh chất lượng các ngân hàng không đồng đều, rất nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động không ổn định và lành mạnh hiện nay thì việc bỏ trần lãi suất huy động cần phải cân nhắc kỹ để tránh tình trạng “vượt rào” lãi suất, cạnh tranh huy động vốn không lành mạnh giữa các ngân hàng. Mặc dù, thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt nhưng không có nghĩa tất cả các ngân hàng đều đủ vốn để hoạt động khi tình trạng lấy ngắn nuôi dài vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và NHNN, việc áp trần lãi suất huy động trước mắt vẫn có những tác dụng phù hợp.

Chúng tôi cũng cho rằng với các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện nay như lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức 6 - 7%; CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2012 - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây, vẫn còn dư địa để NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất huy động. Hơn nữa, trần lãi suất huy động dưới 1 tháng đã được NHNN quy định kể từ ngày 08/06/2012 ở mức 2%/năm tại Thông tư số 19/2012/TT-NHNN. Trong khi đó, để hạ mặt bằng lãi suất, trần lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng đã liên tục được điều chỉnh từ 9%/năm xuống 8%/năm và tiếp tục xuống mức hiện hành là 7,5%/năm. Do vậy, để tiếp tục định hướng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, theo chúng tôi trần lãi suất huy động dưới 1 tháng cũng cần được xem xét giảm để tạo điều kiện cho các NHTM hạ chi phí vốn qua đó có cơ sở tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.

Ông nhận định thế nào về động thái của các ngân hàng sau tín hiệu giảm lãi suất của Vietcombank?

Thật khó để có câu trả lời chính xác về vấn đề này. Thực tiễn thị trường sẽ là câu trả  lời sống động và khách quan nhất.

Tuy nhiên, theo như thông lệ thị trường trong thời gian gần đây, việc giảm lãi suất của một ngân hàng dù lớn hay nhỏ ít nhiều cũng khiến các ngân hàng khác phải lưu tâm phân tích và đánh giá. Dẫu vậy, quyết định có giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào mục tiêu, chiến lược kinh doanh riêng và đặc thù  của mỗi ngân hàng. Vietcombank tin rằng thị trường luôn vận hành theo đúng quy luật của nó mà không một ai có thể tồn tại mà nằm ngoài quy luật này. Hiện tại, việc “bồi dưỡng” sức khoẻ  của doanh nghiệp là việc tất yếu và mang ý  nghĩa sống còn để vực dậy nền kinh tế.

Cảm ơn ông!