Vinacomin: Mong giảm thuế để gỡ khó cho than

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Nhà nước cần sớm xem xét điều chỉnh chính sách thuế xuất khẩu than về mức 10% như trước đây. Đây là kiến nghị được Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (Vinacomin) đưa ra tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây.

 Vinacomin: Mong giảm thuế để gỡ khó cho than
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin Trần Xân Hoà: Sau hai tháng áp dụng thuế xuất khẩu mới từ 10% lên 13%, sản lượng than xuất khẩu giảm 2 triệu tấn (mỗi tháng giảm 1 triệu tấn so với bình quân 6 tháng) và tổng sản lượng than tiêu thụ dự kiến của cả năm 2013 là 36-37 triệu tấn , giảm 20 triệu tấn so với năm 2012.

Như vậy không đạt được cả mục tiêu đảm bảo việc làm cho cán bộ công nhân viên cũng như tăng thu ngân sách cho Nhà nước, thậm chí còn giảm trên 1.000 tỷ.

Tuy nhiên năm 2013, Tập đoàn vẫn duy trì kế hoạch khai thác ở con số 39 triệu tấn, chấp nhận nâng mức tồn kho so với kế hoạch lên hơn 2 triệu tấn. "Đây là biện pháp cực chẳng đã để đảm bảo ổn định việc làm cho cán bộ công nhân viên", ông Hoà bộc bạch.

Ngành than đang đứng trước nhiều khó khăn, khi mà giá thành sản xuất than ngày một tăng cao, tiệm cận với giá  bán than trong nước do địa hình khai thác ngày càng xuống sâu.

Giá thành bình quân1 tấn than của toàn ngành hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng, nhưng thực tế có doanh nghiệp chịu giá thành lên tới 200 USD/1 tấn than.

Trong khi giá than thế giới đang giảm thì giá than Việt Nam lại tăng. Với 8 loại thuế và phí, hiện mỗi tấn than xuất khẩu có thuế và phí chiếm 30% giá thành, còn với than tiêu thụ trong nước, con số này chiếm 20%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, cần ổn định chính sách thuế. Thuế xuất khẩu than tăng 3% như vừa qua là chưa phù hợp, đặc biệt khi thị trường tiêu thụ đang gặp khó khăn. Việc điều chỉnh thuế xuất tăng cũng gây thất thu cho ngân sách Nhà nước do không tiêu thụ được than và tác động đến việc tăng sản lượng của ngành trong các năm tới.

Theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 và Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 11/5/2012 thì nhu cầu vốn để đáp ứng cho phát triển các mỏ than khá lớn, trung bình hằng năm là 22-25 ngàn tỷ đồng.

Chủ tịch Vinacomin Trần Xuân Hoà cũng cho biết: Một mỏ có công suất khai thác 2-2,5 triệu tấn cần số vốn đầu tư rất lớn. Đơn cử như mỏ Núi Béo công suất 2,5 triệu tấn, ngành Than cần số vốn 5.000 tỷ đồng, dự án mỏ Khe Chàm là 14.000 tỷ đồng với suất đầu tư trên mỗi tấn than của các mỏ này ở mức 300USD. Đây thực sự là sức ép lớn của ngành trong bối cảnh thuế xuất khẩu tăng cao. Giá bán than trong nước mặc dù cũng đã được điều chỉnh hai lần trong năm 2013, gần đây nhất là ngày 1/8, để bằng với giá thành năm 2013, song về lâu về dài vẫn phải tiếp tục điều chỉnh sát với giá thị trường để đáp ứng nguồn lực tài chính cho ngành phát triển.