VINARE tích cực triển khai xây dựng giải pháp bảo hiểm Nat Cat

Theo Vinare

Trên phạm vi toàn cầu, trong vài thập kỷ gần đây, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều với mức độ ngày càng trầm trọng. Chỉ riêng trong năm 2011 đã xảy ra hàng loạt các thảm họa như sóng thần tại Nhật Bản, trận lụt lịch sử tại Thái Lan hay động đất tại New Zealand, năm 2012, chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp xảy ra bão Sandy ở Mỹ và bão Sơn Tinh ở Việt Nam cho thấy hiểm họa nghiêm trọng của thiên tai.

VINARE tích cực triển khai xây dựng giải pháp bảo hiểm Nat Cat
VINARE làm việc với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Nguồn: Vinare.com.vn

Trong thời gian qua, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm và xây dựng các giải pháp bảo hiểm Nat Cat. Đây cũng là chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ Tài chính giao cho VINARE làm việc với các bên liên quan để đề xuất lên chính phủ các giải pháp quản lý rủi ro thiên tai cũng như các lựa chọn giải pháp tài chính hiệu quả và thích hợp.

Với mục tiêu xây dựng mô hình mô phỏng thiên tai để làm cơ sở thảo luận với Bộ Tài chính và thị trường, VINARE đã có các buổi làm việc với các viện khoa học và các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam nhằm thu thập các số liệu và thông tin cần thiết.

Cụ thể, VINARE đã làm việc với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan tới địa hình, địa chất Việt Nam, hiện trạng sử dụng đất, phủ bề mặt. VINARE cũng làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nơi trực tiếp quản lý hơn 200 trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên cả nước và cập nhật số liệu về mạng lưới sông ngòi, lưu vực thủy văn và các dữ liệu quan trắc về khí tượng khác. Bên cạnh đó, trong buổi trao đổi với Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai thuộc Bộ NN & PTNT, VINARE đã cùng thảo luận về những thiệt hại do bão lũ, ngập lụt cũng như khả năng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho nền kinh tế.

Trong khuôn khổ trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, VINARE đã thu được nhiều kết quả tích cực bước đầu nhằm nâng cao năng lực trong đánh giá rủi ro thiên tai để xây dựng các giải pháp bảo hiểm và tái bảo hiểm thích hợp.