Virus Corona đã thay đổi môi trường như thế nào?
Hoạt động kinh tế chậm lại, chất lượng không khí ở châu Âu và Trung Quốc đã tạm thời được cải thiện. Đối với các nhà khoa học khí hậu, đại dịch Covid-19 và cách hàng triệu người trên thế giới thay đổi hành vi trong thời gian ngắn cho thấy những điều chúng ta có thể làm tương tự để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm không khí giảm đáng kể
Dịch bệnh lan rộng khiến các chuyến bay được cắt giảm, người dân ở trong nhà và các nhà máy đều đóng cửa. Ô nhiễm không khí trên các khu vực ở Trung Quốc và châu Âu đã được cải thiện.
Ở Trung Quốc, NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát hiện ra sự giảm ô nhiễm đáng kể bắt đầu từ giữa tháng 1 đến tháng 2.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ nitơ dioxide (gây ra bởi ô tô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp) được thải ra giảm đáng kể so với cùng kỳ, kể cả khi Tết Nguyên đán thường dẫn đến giảm phát thải.
Nhiều cơ quan nghiên cứu đã so sánh sự thay đổi của Vũ Hán trước khi bị phong tỏa vào ngày 23/1 và trong thời gian thành phố cách ly thành các phu vực nhỏ từ ngày 10 - 25/2. Các cơ quan này nhận thấy nồng độ khí thải đã giảm đáng kể trong thời gian này.
Sự sụt giảm đáng kể này bắt đầu từ Vũ Hán, nhưng đến hiện tại đã lan rộng khắp Trung Quốc. Mức khí thải giảm sút được ước tính là từ 10-30%.
Đối với các nhà nghiên cứu của NASA, sự thay đổi này là đáng kinh ngạc.
Lưu Phi, nhà nghiên cứu chất lượng không khí của NASA cho biết, đây là lần đầu tiên ông thấy sự sụt giảm ô nhiễm đáng kinh ngạc như vậy đối sau một sự kiện cụ thể trên một khu vực rộng lớn.
Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng việc giảm ô nhiễm thậm chí có thể cứu nhiều mạng sống hơn số người chết do virus gây chết người ở Trung Quốc.
Theo tính toán sơ bộ được thực hiện bởi nhà khoa học Marshall Burke thuộc Đại học Stanford, chất lượng không khí tốt hơn có thể đã giúp cứu sống 77.000 người ở Trung Quốc ở độ tuổi dưới 5 hoặc trên 70.
Rất nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí là tác nhân lớn gây tử vong sớm ở con người. Vì vậy, một câu hỏi hiển nhiên được đặt ra là: Liệu có nhiều người được cứu sống nhờ giảm thiểu ô nhiễm không khí có thể vượt lên số người chết vì dịch bệnh từ virus COVID-19?
Ngay cả khi giả định rất bảo thủ, câu trả lời có thể là "đúng vậy".
Việc giảm lượng khí NO2 cũng đang được chú ý khắp châu Âu, đặc biệt là miền bắc Italy, nơi bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa vào ngày 9 tháng 3.
Bằng vệ tinh Copernicus Sentinel-5P, cơ quan Vũ trụ châu Âu ghi sự thay đổi tích cực rõ ràng của chất lượng không khí tại Ý - từ ngày 1/1 - 11/ 3.
Chia sẻ với SBS News, ông Josef Aschbacher, giám đốc chương trình quan sát Trái đất tại ESA cho biết: "Kể cả khi các yếu tố thời tiết được xem xét, việc sụt giảm ô nhiễm này vẫn khá bất ngờ. Sự sụt giảm ở Ý, đặc biệt là trên Thung lũng Po là bằng chứng quan trọng trong việc chứng minh tác động của lệnh phong tỏa từ COVID-19 có thể khiến môi trường tốt hơn.
Tôi tin rằng mức độ ô nhiễm sẽ tiếp tục giảm trong những ngày và tuần tới. Các quốc gia khác hiện đang áp dụng các biện pháp quyết liệt, chúng ta sẽ tiếp thấy ô nhiễm không khí giảm đáng kể trong thời gian tới".
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann chia sẻ, chúng ta đã từng chứng kiến lượng khí thải toàn cầu giảm do sự suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.
Ông nói: "Chúng tôi hy vọng rằng việc giảm thiểu sản phẩm sản xuất trong mỗi nước sẽ dẫn đến giảm lượng khí thải carbon. Tuy vậy, điều này rất khó dự đoán bởi vì, trước hết, chúng tôi không biết chính xác những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế. Nhưng tôi mong đợi một tác động lớn hơn so với những lần suy thoái kinh tế vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010 của thế giới – tức là giảm nhiều hơn so với những lần đó vài phần trăm lượng khí thải carbon toàn cầu."
Nhà khoa học khí hậu người Úc Robyn Schofield cho biết, Úc đã nhận ra lượng khí thải có thể giảm sút. Tuy vậy, còn quá sớm để dự đoán mức độ suy giảm là bao nhiêu.
Cơ hội để hành động
Cả Ts. Schofield và nhà khoa học khí hậu Michael Mann đều tin rằng những chuyển biến mạnh mẽ của môi trường trong thời gian qua có thể cho thế giới thấy cách chúng ta nên hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Ts. Schofield cho biết: "Đó chính xác là những bài học chúng ta cần học, bằng xã hội chúng ta có thể thay đổi và thay đổi thật sự nhanh chóng. Điều đó sẽ mang lại những lợi ích cho sức khỏe rất lớn".
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann cho rằng cuộc khủng hoảng dài hạn thực sự chính là biến đổi khí hậu.
"Và thật trớ trêu, một cuộc khủng hoảng khác - đại dịch coronavirus đã chỉ ra rằng chúng ta có thể thay đổi chính mình nhưng vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ từ chính phủ để thay đổi hành vi của từng người dân. Chúng ta đã thấy điều này hiệu quả với virus Corona và cần phải thấy nó cũng hiệu quả với biến đổi khí hậu, ngay bây giờ", ông nói.
Ông Josef Aschbacher - Giám đốc chương trình quan sát Trái đất tại ESA cho biết những thay đổi này sẽ chỉ tạm thời cải thiện chất lượng không khí, giảm lượng khí thải CO2 trong một vài tuần hoặc vài tháng và có tác động nhỏ trong dài hạn.
"Tuy nhiên, những gì nó có thể làm là thay đổi nhận thức của mọi người và khiến chúng ta nhận ra rằng hoạt động của con người có tác động lớn đến môi trường trên hành tinh và có thể dẫn đến việc cân nhắc lại cho một số lĩnh vực.", ông phát biểu.
Aschbacher đã và đang làm việc tại cơ quan có trụ sở tại Rome. Ông đã chứng kiến thảm kịch của con người vì dịch bệnh này ở Ý. Ông cho rằng tất cả chúng ta đều mong muốn rằng đại dịch coronavirus sẽ giảm nhanh nhất có thể và không gây thêm thương vong. Tuy vậy, chúng ta nên cẩn thận để không biện minh giữa việc chất lượng không khí được cải thiện với mạng sống của từng con người.