'Virus' nợ công lan đến nước Anh
Thâm hụt ngân sách của Anh chiếm đến 8,2% GDP, cao hơn Hy Lạp 0,7 điểm phần trăm.
Anh quốc cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến từ cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung. Tuy nhiên, mọi biện pháp của Anh dường như vô hiệu khi virus nợ công lần lượt tấn công cả những nền kinh tế khỏe mạnh, cuối cùng là Anh.
IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng nền kinh tế Anh từ 0,2% xuống âm 0,4% trong báo cáo ngày 9/10 về "Triển vọng kinh tế thế giới". IMF cho biết đây là năm đầu tiên kể từ khi cuộc khủng kinh tế - tài chính toàn cầu nổ ra, thâm hụt ngân sách của Anh chiếm đến 8,2% GDP, cao hơn Hy Lạp 0,7 điểm phần trăm.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ kinh tế Anh thì nền kinh tế xứ sở sương mù đang rơi vào suy thoái sâu, khó có thể dự đoán khả năng phục hồi.
Anh vốn là quốc gia thuộc khối EU không tham gia vào khu vực đồng tiền chung Euro. Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên đều đồng ý tham gia Hiệp ước tài chính thực thi kỷ luật ngân sách do EU đề xuất vào đầu năm 2012 thì Anh đã sử dụng quyền phủ quyết để được đứng ngoài.
Với quan điểm cần giữ quyền kiểm soát của mình đối với các dịch vụ của thị trường tài chính London, nước này đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến từ cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung. Tuy nhiên, mọi biện pháp của Anh dường như vô hiệu khi virus nợ công lây lan sang những nền kinh tế khỏe mạnh như Đức, Pháp, Italy và cuối cùng, Anh cũng bị "lây nhiễm".
Ngày 9/10/2012, Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) đã công bố thâm hụt thương mại của Anh trong tháng 8 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 7, trong khi sản lượng ngành công nghiệp chế tạo lại sụt giảm. Tin tức này đã khiến đồng bảng Anh rớt giá kỷ lục, xuống còn 1 bảng Anh đổi 1,36 USD, mức thấp nhất từ năm 1985.
Trong lúc đó, giới đầu tư lại loan tin Ngân hàng Anh có thể buộc phải cắt giảm lãi suất xuống 0%. Do sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, những biến động này có thể khiến Anh bị thiệt hại nặng nề hơn hẳn các nền kinh tế khác.
Thêm vào đó, nợ công gây đau đầu dai dẳng cho các nước châu Âu lại lần nữa tái diễn ở Anh. Vấn đề này đã trở thành nỗi ám ảnh của người Anh khi từ cuối tháng 8/2012, nợ công của Anh đã lên tới 1.040 tỷ bảng, tương đương với 66,1% GDP.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Chris Williamson tại công ty tài chính Markit (Anh), chính phủ Anh vẫn buộc phải chi ngân sách để bù đắp sự giảm sút trong xuất khẩu cũng như trong chi tiêu của các hộ gia đình và các tập đoàn.
Để chống lại cơn bão khủng hoảng nợ công và ngân sách đang hoành hành, không cách nào khác, Anh phải sử dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng làm vũ khí. Năm 2010, chính phủ Anh đã đặt ra mục tiêu cắt giảm chi tiêu ngân sách 18 tỷ bảng/năm cho đến năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động yếu kém của nền kinh tế Anh trở nên trầm trọng và kéo dài hơn so với dự kiến buộc chính phủ nước này phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu đến năm 2018.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ngày 8/10 cho biết chính phủ sẽ cắt giảm thêm 10 tỷ bảng (16 tỷ USD) chi tiêu cho phúc lợi xã hội trong các năm 2015-2017 nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách đang ngày càng gia tăng.
Biện pháp khắc khổ phục vụ lợi ích thắt chặt vĩ mô song hành với hệ quả là nền kinh tế thiếu máu để vận hành sản xuất. Sản xuất đình đốn buộc xí nghiệp phải đóng cửa và doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm, đẩy tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Số người thất nghiệp ở Anh hiện đã gần đến con số 2 triệu người.
Suy thoái kinh tế ảnh hưởng nặng nề đến người dân, thu nhập sau thuế của các hộ gia đình ở Anh đã giảm gần 2% khiến sức tiêu dùng giảm theo. Ngay cả Thủ tướng Anh Cameron cũng đã phải chấp nhận rằng, việc điều hòa nền kinh tế Anh hiện nay rất khó, và sẽ triển khai chậm.
Nhận thức được tình hình kinh tế trì trệ sẽ càng làm suy thoái thêm trầm trọng, chính phủ Anh đã cho ban hành các gói cứu trợ nhằm cải thiện hệ thống ngân hàng và môi trường đầu tư trong nước.
Theo cơ quan kiểm toán quốc gia của Anh (NAO), kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giữa năm 2007 đến nay, chính phủ Anh đã sử dụng các gói cứu trợ trị giá tổng cộng 850 tỷ bảng (tương đương 1.400 tỷ USD) để cứu các ngân hàng hoạt động yếu kém. Trong khi tác động tích cực từ những gói cứu trợ này với nền kinh tế chưa rõ ràng thì sức ép về thuế và nợ công lại tiếp tục đè nặng lên vai không ai khác ngoài chính những người dân.
Một viễn cảnh bi quan dường như đang bao trùm toàn bộ nền kinh tế xứ sở sương mù. Cựu Thủ tướng Tony Blair nói với tờ Die Zeit (Đức) rằng khủng hoảng kinh tế tại châu Âu rõ ràng sẽ gây ra "những xáo trộn về quyền lực chính trị trong EU".
Anh thậm chí còn tính đến một cuộc trưng cầu ý dân quyết định việc có rời khỏi EU do các quy định của liên minh này đang cản trở kinh tế Anh, và việc rời bỏ sẽ giúp nước này khôi phục lại chủ quyền, cũng như giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mà chính phủ phải chi khi làm thành viên.
Song, tương tự với trường hợp của Hy Lạp, quyết định" đi hay ở" không đơn thuần là vấn đề của riêng nước Anh. Hành động này không chỉ gây xáo trộn lớn đối với kinh tế trong nước mà còn có thể gây nên hiệu ứng domino kéo theo sự suy sụp của hàng loạt các nền kinh tế khác đang khủng hoàng trong khu vực như Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Ireland... và có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn lạc quan, Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc đối thoại với Đảng Bảo thủ của mình những ngày gần đây đã khẳng định, nước Anh có thể phục hồi trở lại. "Nhiệm vụ của tôi cũng như của mọi người chúng ta, là đảm bảo rằng thế kỉ XXI này, nước Anh sẽ luôn luôn trên đà phát triển, như chúng ta đã và đang suốt bao thế kỉ qua".
Thực tế, nếu lấy con số tỉ lệ thất nghiệp khoảng 8% của Anh so với con số kỉ lục 25,1% của Hy Lạp, cũng như 11,7% của 17 nước Eurozone, thì tình hình tại Anh vẫn "chưa đến nỗi trầm trọng". Anh vẫn còn đủ sức để tự cứu lấy mình trước khi cần đến nguồn vốn cứu trợ vốn đang dần cạn kiệt của EU.
Nhưng thực tế cho thấy, nếu chính phủ Anh không mau chóng tìm ra được loại "thuốc đặc trị" riêng để cứu vãn tình thế, thì virus nợ công đã từng đánh gục nền kinh tế Hy Lạp đã và sẽ luôn là nỗi lo dai dẳng cho sự phát triển của Anh.