VN-Index có khả năng chạm đỉnh trong tháng 3?
VN-Index đã tăng trưởng 14% trong hai tháng đầu năm và trở thành chỉ số chứng khoán có màn biểu diễn ấn tượng nhất thế giới. Trong bối cảnh chỉ số này biến động mạnh và cách mức đỉnh lịch sử năm 2007 không còn xa, vấn đề được các thành viên thị trường quan tâm chính là liệu VN-Index có thể vượt đỉnh ngay trong tháng 3?
Những yếu tố tác động
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá tích cực trong trung, dài hạn nhờ các yếu tố nền tảng tốt như vĩ mô ổn định, kỳ vọng được nâng hạng và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu xét trong ngắn hạn, ông Trần Đức Anh, Phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi một số rủi ro.
Thứ nhất, sau nhịp tăng điểm kéo dài, áp lực chốt lời dự kiến sẽ gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong bối cảnh các thông tin mang tính hỗ trợ của doanh nghiệp chưa xuất hiện nhiều trong tháng 3.
Thứ hai, thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất sau khi nền kinh tế Mỹ phát đi nhiều tín hiệu tích cực. Diễn biến điều chỉnh của thị trường toàn cầu, bên cạnh tác động đến tâm lý nhà đầu tư, còn có thể khiến khối ngoại đảo ngược xu hướng mua ròng từ đầu năm.
Thứ ba, câu chuyện nâng tỷ lệ ký quỹ, mặc dù đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tạm hoãn chưa áp dụng ngay trong tháng 3, nhưng có thể sẽ sớm được nhắc đến trong thời gian tới. Đây cũng là yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường.
Đáng chú ý, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng phân tích VCBS nhắc nhở nhà đầu tư lưu tâm tới biến động của thị trường chứng khoán thế giới, nhất là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 20 - 21/3 tới đây, khi nhiều khả năng Fed sẽ tiến hành ngay một lần điều chỉnh lãi suất.
Bên cạnh đó, đối với diễn biến dòng tiền, sự tăng mạnh của dòng tiền trong tháng 1 đã giúp VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng 12,8%, trong khi diễn biến thị trường trong tháng 2 không quá tích cực với các nhịp tăng/giảm đan xen.
Trong các phiên tăng điểm cuối tháng 2, dòng tiền có sự tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng, trong khi độ rộng thị trường thường xuyên nghiêng về số mã giảm điểm (tình trạng xanh vỏ đỏ lòng).
Nguyên nhân chính khiến đà tăng của thị trường trong tháng 2 chững lại chủ yếu được luận giải từ áp lực chốt lời sau giai đoạn mặt bằng giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh, trong khi thị trường đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Chưa kể thị trường Việt Nam chịu tác động rất lớn từ diễn biến của thị trường thế giới.
VN-Index có vượt đỉnh?
Nhìn nhận về khả năng chỉ số VN-Index có thể chạm và vượt qua mức đỉnh cũ (11 năm) ngay trong tháng 3 này, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, từ mức hiện tại đến đỉnh cũ, VN-Index chỉ cần tăng khoảng 4,9% là chạm đến. Nhưng nếu cộng với 14% đã tăng trong 2 tháng đầu năm thì đây là mức tăng trưởng không tưởng. Vậy chúng ta cần xem xét liệu có yếu tố nào đủ mạnh giúp thị trường chạm đến đỉnh này ngay trong tháng 3 hay không?
Đầu tiên, sau nhịp giảm mạnh cùng thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index đã tăng rất mạnh và liên tục tạo ra khoảng trống (GAP) lớn cho thấy sức mạnh của dòng tiền và kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên những kỳ vọng lớn kiểu này luôn hình thành nên những yếu tố điều chỉnh nhẹ nhằm lấp khoảng trống.
Tiếp theo, nhiều cổ phiếu dẫn dắt đang hồi phục lại và hình thành 2 đỉnh cũng cho thấy rủi ro đảo chiều. Tất nhiên, một vài cổ phiếu như MBB, SSI đã bứt mạnh qua vùng đỉnh này nhưng còn rất nhiều cổ phiếu khác chưa làm được.
Sau đó, nếu thị trường thế giới tiếp tục điều chỉnh do lo ngại rủi ro tăng lãi suất và khối ngoại bán ròng sẽ ảnh hưởng đến lực cầu. Cuối cùng, nhóm cổ phiếu dẫn dắt duy nhất hiện tại là ngân hàng, trong khi hầu hết các cổ phiếu ngành này đều đã tới hạn nên khó bứt phá hơn nữa. Câu chuyện hiện nay là nhóm nào sẽ thay thế vai trò dẫn dắt vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, theo ông Trần Đức Anh, Phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với các yếu tố hỗ trợ trong tháng 3 ở mức khá yếu, trong khi còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ có xu hướng giằng co đi ngang với các nhịp tăng/giảm đan xen.
Trong tháng 3, yếu tố kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2018 của các doanh nghiệp đã bắt đầu có ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ là không lớn. VCBS cho rằng, xu hướng đi ngang sẽ vẫn là chủ đạo. Trong kịch bản tiêu cực, nếu thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến xấu, giá dầu lao dốc hoặc câu chuyện giảm tỷ lệ ký quỹ margin quay trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ điều chỉnh trong tháng 3.