VN-Index đã thực sự tạo đáy?

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn

Những phiên bật mạnh cuối tuần qua (từ ngày 10-14/10) cho thấy VN-Index vẫn đứng vững trong thế “thập diện mai phục”, mang tới kỳ vọng thị trường chứng khoán đã thực sự tạo đáy và đi lên.

VN-Index đã tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.000 điểm và dự báo sẽ duy trì ngưỡng này trong phần còn lại của năm 2022 (Ảnh: Int)
VN-Index đã tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.000 điểm và dự báo sẽ duy trì ngưỡng này trong phần còn lại của năm 2022 (Ảnh: Int)

Đóng cửa phiên đầu tuần (ngày 17/10), VN-Index giảm hơn 10 điểm, về mức 1.051 điểm do áp lực điều chỉnh mạnh của nhóm VN30, nhất là những mã ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, thời điểm này, nhiều quỹ thực hiện cơ cấu hoán đổi danh mục nên rất có thể gây “nhiễu” cho chỉ số chung. Bên cạnh đó, sau nhiều phiên tăng giá liên tiếp, nhà đầu tư bắt đầu có động thái chốt lời ngắn hạn.

Xu hướng tăng giá trở lại tích cực

Cụ thể, tuần qua, sau khi nhúng sâu xuống 998 điểm, VN-Index đã hồi phục nhờ lực mua vào. Chỉ trong 3 phiên cuối tuần tăng điểm liên tiếp, chỉ số chính đã lấy lại gần 60 điểm từ đáy, đóng cửa tuần ở mức 1.061,9 điểm. So với tuần trước đó, VN-Index đã tăng 25,94 điểm (+2,5%).

Mặc dù dòng tiền nhìn chung vẫn rất thận trọng, đẩy thanh khoản xuống mức thấp nhất 2 năm, song xu hướng tăng giá trở lại của thị trường được đánh giá khá tích cực với nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi mạnh kể từ đáy như: hóa chất, thủy sản, bán lẻ, thép, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng…

Đáng chú ý, khối ngoại đã mạnh tay giải ngân trong tuần qua, chuyển từ vị thế từ bán ròng 655 tỷ đồng trong tuần trước đó sang mua ròng 2.642,5 tỷ đồng trên sàn HoSE – mức mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm. Như vậy, sau khi bán ròng 7 tuần liên tiếp, khối ngoại đã quay lại mua ròng 2.760 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua.

Giới phân tích cho rằng, tâm lý nhà đầu tư phần nào đã ổn định trở lại sau những động thái trấn an thị trường của cơ quan quản lý cũng như những biện pháp ổn định hệ thống của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát của Mỹ tháng 8 tăng mạnh hơn dự báo, song giá cả hàng hoá giảm đáng kể khiến giới đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ sớm tạo đỉnh và đi xuống. Theo đó, phản ứng của thị trường chứng khoán toàn cầu lại khá nhẹ nhàng, nên rất có thể rủi ro đã được phản ánh đầy đủ vào đà giảm trước đó của thị trường. Đồng thời, định giá nhiều cổ phiếu về mức rất thấp nên kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc khi VN-Index bị nhúng xuống dưới 1.000 điểm.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, sau 5 tuần liên tiếp giảm, áp lực đòn bẩy đã giảm rất đáng kể và nhiều cổ phiếu không thể giảm sâu thêm.

“Hiện tại, rất có thể đà giảm đã phản ánh đầy đủ các thông tin tiêu cực, trong đó có vấn đề Fed tăng lãi suất hay các thông tin về xử lý sai phạm phát hành trái phiếu. Những nhịp giảm sâu đã đưa mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn để đầu tư và nhiều nhà đầu tư khôn ngoan đã nhìn thấy điều đó”, ông Tuấn nhận định.

Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Chứng khoán DSC đánh giá, thị trường đã giảm rất sâu. Trong vòng 6 tháng qua, có thời điểm VN-Index giảm hơn 500 điểm, tương đương 30% kể từ vùng đỉnh tháng 4 với nhiều cổ phiếu lớn giảm hơn 50% từ đỉnh.

“Cầu bắt đáy đã xuất hiện quyết liệt hơn ở vùng quanh 1.000 điểm giúp thị trường phục hồi”, ông Huy phân tích.

Ngoài ra, sự chú ý của nhà đầu tư đang dần chuyển từ những con số lạm phát sang thông tin liên quan tới kết quả kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp niêm yết cũng là một yếu tố tích cực cho thị trường.

Theo thống kê của FiinTrade, tính đến ngày 14/10, đã có 57/1.699 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 11,9% tổng giá trị vốn hóa 3 sàn) đưa ra ước tính hoặc báo cáo chính thức về kết quả kinh doanh quý III/2022.

Ước tính sơ bộ cho thấy, nhờ nền so sánh thấp, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của hầu hết các doanh nghiệp và ngân hàng này tăng trưởng cao (45,5%) so với cùng kỳ năm trước.

1.000 điểm là mốc hỗ trợ “siêu cứng”

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn tại vùng 1.000 điểm và đang trong nhịp hồi phục ngắn hạn hướng tới kháng cự gần nhất là vùng 1.070-1.080 điểm và tiếp đến là vùng kháng cự mạnh 1.100-1.120 điểm.

Cùng nhận định, ông Bùi Văn Huy cho rằng, thị trường vẫn trụ vững trong thế “thập diện mai phục”. Trong thời gian còn lại của năm 2022, thị trường khó có áp lực hơn. “VN-Index sẽ khó thủng ngưỡng 1.000 điểm trong năm 2022. Thị trường đã tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.000 điểm và sẽ duy trì ngưỡng này trong phần còn lại của năm 2022. Ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.070 điểm, xa hơn ở vùng 1.100-1.110 điểm”, ông Huy dự báo.

Tuy nhiên, dưới góc độ cẩn trọng, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù khá nhiều tín hiệu đảo chiều của thị trường đã xuất hiện, nhưng để khẳng định vùng đáy của thị trường đã được thiết lập thì vẫn là khá sớm và cần có thêm 1-2 tuần kiểm định thêm tại các vùng hỗ trợ để xác nhận chỉ số tạo đáy.

Bên cạnh đó, yếu tố dòng tiền là một điều cần lưu ý trong các phiên gần đây khi đà tăng điểm của VN-Index trong các phiên cuối tuần qua đang thiếu vắng lực cầu quan trọng từ nhà đầu tư cá nhân.

Mặt khác, việc Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến đồng USD duy trì sức mạnh với các đồng tiền khác, kéo theo áp lực tăng tỷ giá USD/VND và lãi suất huy động tiền VND trong nước, dẫn tới thanh khoản của thị trường khó đạt được mức cao như cùng kỳ năm ngoái và xu hướng rút ròng của khối ngoại có thể quay trở lại trong thời gian tới.

“Nhà đầu tư nên theo dõi thêm diễn biến tại phiên đáo hạn phái sinh cũng như các thông tin về công bố kết quả kinh doanh quý III các doanh nghiệp dự kiến sẽ xuyên suốt trong các tuần cuối tháng 10, có thể ảnh hưởng ngắn hạn tới điểm số thị trường”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco lưu ý.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế lớn là giảm điểm, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng và tỷ lệ cổ phiếu ở mức vừa phải là hết sức cần thiết. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục không quá 70% và nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin).

Đồng thời, nên phân bổ tỷ trọng cao hơn cho danh mục dài hạn và duy trì tỷ trọng thấp đối với những danh mục trading ngắn hạn, ưu tiên những cổ phiếu cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh trong 2 quý cuối năm 2022 tích cực và đã về vùng định giá thấp trong lịch sử.

Với những nhà đầu tư theo trường phái trading, cần tuân thủ tuyệt đối kỷ luật cắt lỗ. Với đầu tư dài hạn, cần chọn điểm mua thích hợp, không nên quá vội vã mua vào cổ phiếu trong những phiên tăng điểm mạnh, thay vào đó nên chờ những phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Đặc biệt, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể, bởi với mỗi ngành nghề khác nhau đều đang có những khó khăn riêng.