VNACCS/VCIS tăng sức cạnh tranh quốc gia

(Tài chính) Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS không chỉ đơn thuần mang lại tiện ích cho cộng đồng DN và cơ quan Hải quan.

VNACCS/VCIS tăng sức cạnh tranh quốc gia
Với trang thiết bị của hệ thống Hải quan hiện đại, Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với các nước ASEAN, tạo thuận lợi rất nhiều cho DN. Nguồn: internet
VNACCS/VCIS là tên gọi tắt của Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan”. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại một lần nữa đề cập đến vai trò quan trọng của Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) như một ví dụ điển hình cho việc cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Với trang thiết bị của hệ thống Hải quan hiện đại, Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với các nước ASEAN, tạo thuận lợi rất nhiều cho DN.

Theo Bộ Tài chính, Hệ thống VNACCS/VCIS được Chính phủ đánh giá rất cao hiệu quả đa chiều không chỉ đơn lẻ trong hoạt động giữa cơ quan Hải quan và DN mà ở cả tầm rộng lớn hơn với lợi ích quốc gia.

Phân tích rõ hơn về điều này, Bộ Tài chính cho rằng, thực hiện thành công VNACCS/VCIS giúp hiện thực hóa các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2011- 2020, cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện NSW và Cơ chế một cửa ASEAN.

Do đó, triển khai thành công Hệ thống có tính chất quyết định tới thành công của các hoạt động tiếp theo trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan cũng như NSW và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn tới.

Bộ Tài chính đánh giá, VNACCS/VCIS không chỉ tác động trực tiếp đến Tổng cục Hải quan, các bộ, ngành liên quan mà còn có tác động lan tỏa tới cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, vận tải quốc tế như là minh chứng về cam kết của Chính phủ trong tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và hỗ trợ DN.

Ở bình diện quốc gia, với mức độ tự động hóa cao, trình độ tiên tiến với nền tảng CNTT của một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, VNACCS/VCIS trực tiếp nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa XNK, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Đặc biệt, Hệ thống không chỉ phục vụ công tác quản lý Nhà nước về hải quan mà còn tạo nên khung pháp lý bền vững trên nền tảng nội luật hóa các cam kết quốc tế, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong hoạt động hải quan. Bộ Tài chính đưa ra ví dụ, chính những kết quả tích cực trong thực hiện VNACCS/VCIS là nguồn tư liệu quan trọng góp phần phục vụ sửa đổi Luật Hải quan 2014 (được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014) và xây dựng kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan giai đoạn tới trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020.

Ngoài ra, những kết quả thành công bước đầu của VNACCS/VCIS mang lại chính là những bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa NSW, đảm bảo kết nối Cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam đúng lộ trình. Trên bình diện quốc tế và khu vực, quá trình thực hiện VNACSC/VCIS cũng giúp Việt Nam có thêm nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy trình thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật… trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN.

Với cộng đồng DN và cơ quan Hải quan, lợi ích mang lại đã được kiểm chứng một cách cụ thể, thiết thực qua gần 1 năm thực hiện chính thức Hệ thống. Đó là, giúp DN rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí, thủ tục được chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế… nhờ mức độ tự động hóa cao của Hệ thống.