Vốn "đóng băng" vì sở hữu nhà nước quá lớn
Lượng vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều khiến các doanh nghiệp đã niêm yết sau cổ phần hóa không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, làm giảm mục tiêu huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp (DN) cho biết phần vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang chiếm khoảng 1/3 giá trị vốn hóa toàn thị trường nhưng gần như không có hoạt động mua bán.
Sở hữu nhà nước quá lớn sẽ làm giảm hiệu quả của định hướng cổ phần hóa (CPH). Tỷ lệ sở hữu nhỏ khiến cổ đông đại chúng khó tạo ra ảnh hưởng lớn tại DN, hạn chế sự phản biện, đóng góp trong việc nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Do vị thế doanh nghiệp
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mác DN nhà nước (DNNN) đã không còn là lợi thế, mà ngược lại trở thành điểm yếu làm giảm tính cạnh tranh khi đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Sở dĩ có sự e ngại này là bởi, để sở hữu cổ phần tại các DNNN, các nhà đầu tư phải tuân thủ nhiều thủ tục phức tạp, vừa cần nhiều thời gian để quyết định do Nhà nước vẫn muốn nắm tỷ lệ cổ phần chi phối sau CPH.
Bất cập còn đến từ việc định dạng loại hình DNNN, cũng như xác định vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ tại các công ty con dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư thứ cấp của các công ty con, công ty cháu chắt vào DN, khiến các đối tác nước ngoài ngao ngán.
Hiện, ngoài EVN, còn khá nhiều “ông lớn” khác như Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) cũng đang có phần vốn nhà nước mà đại diện là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khá cao lên tới gần 96%; Bộ Tài chính đang nắm giữ 72% vốn của Tập đoàn Bảo Việt…
Thực tế, sở hữu vốn nhà nước luôn lớn được cho là do vị thế của các DN đều thuộc top đầu ngành trong nền kinh tế cần sự chi phối của các cơ quan quản lý để chủ động trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Ví dụ như PV GAS, hiện là DN duy nhất thực hiện hoạt động ở trung nguồn là thu gom khí từ các chủ mỏ, chế biến, lưu trữ và phân phối khí đến các DN bán buôn và bán lẻ, là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy điện khí, phân bón lớn trong cả nước.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được cho là nhóm dẫn dắt đà lên xuống của TTCK, nhưng 3 ngân hàng được cho là lớn nhất hiện nay là BIDV, Vietcombank và VietinBank lại đang gặp khó khăn trong huy động vốn do tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước đang lần lượt là 95,28%, 74,8% và 64,46%.
Một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư e ngại là việc cổ phiếu tự do chuyển nhượng ít, do cơ cấu cổ đông cô đặc sẽ khiến thị giá cổ phiếu dễ bị dao động bởi các giao dịch lớn.
Cổ đông nhà nước cũng là một nhà đầu tư nhưng cần chuyên nghiệp |
Nhà đầu tư e ngại
Cơ cấu cổ đông cô đặc khiến cổ phiếu của nhóm DN này khó bùng nổ trên sàn chứng khoán. Những năm qua, công tác giảm vốn nhà nước cũng đã được định hướng và đẩy mạnh, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ cổ phần đủ chi phối tại các DN, ngành nghề quan trọng.
Tuy nhiên, công tác giảm vốn vẫn diễn ra khá chậm, nhiều DN trì hoãn tiến độ cũng đã tác động không tích cực đến cổ phiếu của DN trên sàn. Đơn cử như PV GAS kể từ khi có định hướng giảm sở hữu từ năm 2013 tới nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của PVN vẫn không đổi, thậm chí việc thoái vốn còn được dự kiến lùi đến năm 2020.
Hay như ngành ngân hàng, theo Quyết định số 986/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2018, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (ngoại trừ Agribank) sẽ ở mức tối thiểu 65% trong giai đoạn 2018-2020 và giảm xuống 51% trong giai đoạn 2021-2025.
Thực tế, hiện nay mới có VietinBank đạt được mức tối thiểu của giai đoạn 2018-2020, tức nếu muốn tiếp tục bán vốn thì nhà băng này sẽ phải chờ ít nhất là 2 năm nữa. Trong khi BIDV và Vietcombank vẫn còn lượng sở hữu quá lớn, việc có thể giảm sở hữu về 65% trong năm nay và năm sau khó có khả năng xảy ra.
Trước đó, BIDV đã phải mất tới 2 năm cho quá trình bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, mà cụ thể là KEB Hana Bank. Chính bản thân lãnh đạo nhà băng này cũng từng cho biết đây là một câu chuyện dài, trải qua nhiều giai đoạn.
Mặt khác, việc bán vốn nhà nước tại nhiều DN hầu như chỉ hướng đến cổ đông chiến lược, không tăng phần bán vốn cho cổ đông đại chúng. Đó là chưa kể do đặc thù DNNN, lượng phát hành cho người lao động (ESOP) mỗi năm cũng hạn chế, kết quả là lượng cổ phần tự do chuyển nhượng ngoài thị trường không tăng.
Do đó, việc gia tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước tốt nhất là cổ đông nhà nước cần nhìn nhận mình cũng như một nhà đầu tư, nhưng không phải là nhà đầu tư thụ động mà phải là một nhà đầu tư chuyên nghiệp.