“Chữa bệnh” lệch pha cung ứng vốn
Một vấn đề được quan tâm hiện nay là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thu hẹp khoảng cách so với kênh cấp vốn ngân hàng.
Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” được tổ chức trong ngày 19/9 tại Hà Nội, sẽ có nhiều nội dung thảo luận về vấn đề này.
Kênh chứng khoán vẫn ở mức thấp so với quy mô tín dụng
Từ đầu năm đến nay, quy mô của thị trường chứng khoán cũng như lượng vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường này có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với quy mô tín dụng. Các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế, với tổng mức huy động vốn đạt 147.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường giảm mạnh, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu chỉ đạt 4.472 tỷ đồng/phiên, giảm 31,7% so với giá trị giao dịch bình quân phiên trong năm 2018. Ðiều này phần nào gây khó cho hoạt động gọi vốn qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,742 triệu tỷ đồng, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, Công ty làm ăn có lãi, nhưng kế hoạch phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu để huy động vốn đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2017 đến nay vẫn không thể triển khai.
Do việc gọi vốn qua phát hành cổ phiếu khó khăn nên Công ty đang tính đến phát hành trái phiếu cho một số ngân hàng. Thực tế, Công ty vẫn phải tìm đến ngân hàng để có vốn hoạt động, chứ không thể trông chờ vào gọi vốn qua thị trường chứng khoán.
Liên quan đến khả năng bơm vốn của thị trường chứng khoán cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp còn quá nhỏ so với kênh tín dụng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu trên GDP thấp hơn tín dụng ngân hàng; tỷ lệ này cuối năm 2018 là 109%/134%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng cho nền kinh tế năm 2018 chiếm 134% GDP cho thấy, kênh rót vốn chủ yếu bao gồm cả vốn trung hạn và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, quy mô đóng góp của thị trường chứng khoán vào tài trợ vốn cho nền kinh tế còn hạn chế. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cung vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế Việt Nam tính theo giá trị phát hành thực tế năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn.
Trông chờ Luật Chứng khoán sửa đổi
Ðể cải thiện khả năng tài trợ vốn cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp của thị trường chứng khoán, ý kiến từ nhiều phía cho rằng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường phát triển.
Ðiều này đang được trông đợi vào những nội dung đổi mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi, theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra trong tháng 10 tới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chia sẻ, việc hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đang được thúc đẩy, nhằm tạo ra thế hệ luật thứ hai, đồng thời khẳng định vị thế, địa vị pháp lý mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quản lý và phát triển thị trường chứng khoán.
Ðồng thời, hoàn thiện các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi để đảm bảo đồng bộ trong thực hiện khi luật có hiệu lực.
Cùng với đó, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán…
Bên cạnh tiếp tục phát triển các sản phẩm chứng khoán mới phù hợp thông lệ quốc tế là triển khai hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng mới.
Tập trung đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Nhằm gia tăng quy mô cho thị trường chứng khoán, cùng với đa dạng hóa sản phẩm, việc nâng cao chất lượng cổ phiếu, minh bạch thông tin phải được đặt lên hàng đầu, qua đó tạo niềm tin và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Eiichiro Kawabe, Phó chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) cho rằng, trên thị trường vốn, việc đảm bảo công bằng trong các giao dịch của nhà đầu tư là điều kiện tối thiếu để thị trường phát triển lành mạnh, sôi động.
Nếu nhà quản lý thiếu các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi vi phạm thì dễ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.
Thành công trong cải thiện niềm tin của nhà đầu tư sẽ giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động nguồn tiền nhàn rỗi ngày một hiệu quả hơn, từ đó dòng tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hệ thống ngân hàng dần dịch chuyển sang thị trường chứng khoán.
Ðể cải thiện khả năng huy động vốn của thị trường chứng khoán, không ít ý kiến cho rằng, thúc đẩy phát triển thị trưởng trái phiếu doanh nghiệp là một hướng đi mới quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, nhất là từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính nên sớm có giải pháp phát triển thị trường định mức tín nhiệm, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang triển khai một số giải pháp như hoàn thiện chuẩn mực kế toán, kiểm toán, lập báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm; khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Rà soát, hoàn thiện quy định về phân biệt chính sách đầu tư vào trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và không có xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư…
Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là việc phải đẩy nhanh.
Các thành viên thị trường kỳ vọng, trên cơ sở nhiệm vụ đã được Bộ Tài chính phân giao, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sớm đưa chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp vào vận hành trong năm nay như kế hoạch.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, lành mạnh cần khắc phục một bất cập đang bộc lộ trong thực tiễn áp dụng Nghị định 163/2018/NÐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ðó là quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian hạn chế, theo ý kiến từ phía thị trường là quá ngắn, trong thời gian này, tình trạng tài chính của tổ chức phát hành có thể có biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường trước các rủi ro có thể xảy ra.
Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.