Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 24% so với cuối năm 2015

PV.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016 diễn ra ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tính đến ngày 19/10/2016, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 1.687.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2015 và tương đương 40% GDP.

Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 40% GDP. Nguồn: Internet
Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 40% GDP. Nguồn: Internet

Cụ thể, tính đến ngày 19/10, chỉ số VN-Index đạt 688,9 điểm, tăng 1,6% so với cuối tháng trước và tăng 19% so với cuối năm 2015.

Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 85,5 điểm, tăng 0,6% so với cuối tháng trước và tăng 7% so với cuối năm 2015. Vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) đạt 1.687 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2015 và tương đương 40% GDP. “Đây là kết quả hết sức tích cực trên TTCK”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá.

Về giá trị giao dịch, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, quy mô giao dịch bình quân một phiên đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước, trong đó giao dịch trái phiếu chính phủ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 14%; giao dịch cổ phiếu chứng chỉ quỹ đạt 3.080 tỷ đồng/phiên.

Nói về các giải pháp của Bộ Tài chính thúc đẩy thị trường vốn phát triển, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nâng cao năng lực quản lý và giám sát thị trường; chú trọng tăng cung hàng hóa cho thị trường, cải thiện chất lượng nguồn cung, nâng cao chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, công bố thông tin và quản trị thông tin theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng phương thức chào bán chứng khoán, đổi mới phương thức định giá, gắn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên TTCK là các giải pháp đang được tích cực triển khai để thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Cùng với đó, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, phát triển TTCK phái sinh.

Hiện các văn bản về TTCK phái sinh đã ban hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin để TTCK phái sinh đi vào hoạt động trong năm 2017.

Bên cạnh các giải pháp trên, nói về một số giải pháp cơ bản khác đang được Bộ Tài chính triển khai thực hiện như: tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, chất lượng nhà đầu tư, hướng tới đầu tư bền vững.

Nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian; tái cấu trúc tổ chức thị trường (tổ chức lại 2 Sở Giao dịch chứng khoán hiện nay), hoàn thiện mô hình tổ chức căn cứ theo thông lệ quốc tế; triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại tại Sở Giao dịch chứng khoán cũng như tại trung tâm lưu ký để phục vụ cũng như quản lý các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán.

Hiện đại hóa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tăng cường chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường chức năng quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi. Đây là những giải pháp rất cơ bản để phát triển thị trường vốn của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo quy định quá trình bán vốn nhà nước sẽ ưu tiên các cổ đông chiến lược đã tham gia mua cổ phần của Habeco trong thời gian cổ phần hóa trước đây.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, hiện Carlsberg đang là cổ đông chiến lược nắm trên 17% vốn tại doanh nghiệp này. Việc đàm phán với Carlsberg bắt đầu vào ngày 31/10/2016.

Hiện Bộ Công Thương đang nắm giữ 81,79% cổ phần tại Habeco. Hai cổ đông lớn của Habeco nắm giữ 98,87% cổ phần của doanh nghiệp này. Số lượng cổ phiếu lưu hành tự do của Habeco chỉ còn hơn 2 triệu cổ phiếu.