Vốn ngoại tăng cường đổ vào bất động sản sẽ có lợi cho người mua nhà?
(Tài chính) Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trước thực tế đó, một số ý kiến hiện nay đang tỏ ra lo ngại về khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ nắm quyền kiểm soát thị trường và đẩy giá BĐS. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, số lượng dự án của nhà đầu tư nước ngoài tăng sẽ tạo ra nhiều nguồn cung, khiến thị trường bất động sản sôi động, giá cả cạnh tranh và người mua nhà có nhiều sự lựa chọn.
Trước những ý kiến lo ngại, khi vốn đầu tư tăng, nhà đầu tư ngoại sẽ nắm quyền kiểm soát thị trường và đẩy giá BĐS, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu khẳng định, chuyện đó sẽ không xảy ra.
Theo ông Châu, các nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam đều được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, các nhà đầu tư BĐS đến từ Nhật, Hàn Quốc... đầu tư cả những phân khúc dành cho người thu nhập thấp, trung bình bên cạnh căn hộ cao cấp. Số dự án của nhà đầu tư ngoại tăng sẽ tạo ra nhiều nguồn cung hơn và khiến giá cả cạnh tranh, thị trường sôi động và người mua nhà có nhiều sự lựa chọn.
Đại diện Công ty Hưng Thịnh Land cho hay, sự hợp tác với nhà đầu tư ngoại cũng đang giúp các doanh nghiệp BĐS Việt Nam tăng vốn, có điều kiện để hoàn thiện những giải pháp toàn diện cho một dự án BĐS. Doanh nghiệp sẽ xây dựng được chuỗi liên kết từ nhà thầu, đơn vị thiết kế, trang thiết bị, vật liệu đến kinh doanh, tiếp thị cho từng dự án. Lúc này nhiều chi phí sẽ được tiết giảm, giá sản phẩm cũng sẽ ổn định ở mức hợp lý và cạnh tranh hơn so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Năm Sao (Five Star) Đỗ Hoàng Dương cho biết, dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam nhiều chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội và tiềm năng của thị trường BĐS nước ta. Điều đó thể hiện rõ khi gần đây nhiều dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh dù giá ở mức cao nhưng đã xảy ra tình trạng khách mua nhà xếp hàng để có cơ hội sở hữu những căn hộ ở vị trí đẹp.
Theo phân tích của ông Dương, khi dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2015, người nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà (hiện nay, số lượng người nước ngoài tại Việt Nam cũng vài trăm ngàn người) và nhu cầu mua nhà của họ rất lớn. Phân khúc cao cấp khi đó sẽ thu hút khách nước ngoài, trên cơ sở đó sẽ tác động dây chuyền lên các phân khúc căn hộ trung cấp.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp đang rất phấn khởi khi luật cho phép người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam. Chính sách này sẽ giúp dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào BĐS. Khi kích thích được nhu cầu mua nhà của người nước ngoài đang ở Việt Nam và người nước ngoài đang dự định vào Việt Nam làm việc, nhiều dự án sẽ được hình thành, đẩy nhanh tiến độ. Vì thế, nguồn cung tăng kéo theo nhu cầu cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, ông Châu nhận định, người nước ngoài sẽ tham gia vào kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Họ có thể mua nhà rồi bán lại hoặc cho thuê. Từ những chính sách này có thể thấy, người nước ngoài mua nhà hiện đang được bảo vệ quyền lợi. Điều đó đã khiến nhà đầu tư ngoại thay đổi cái nhìn về thị trường BĐS Việt Nam. Trong thời gian tới, dự kiến vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào BĐS.
Các chuyên gia cho rằng, BĐS đang về đúng với giá trị thực của nó, lãi suất ngân hàng cũng ưu đãi hơn cho người mua nhà. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi về ngoại hối như người nhận kiều hối không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, không phải chịu thuế thu nhập... đã tạo điều kiện cho dòng ngoại hối chảy về Việt Nam ngày càng nhiều.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn như hiện nay, vốn FDI đổ vào bất động sản tiếp tục tăng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây tác động xấu đến nền kinh tế. Có một thực tế là thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thể "tiêu hóa", thậm chí là vẫn dồn ứ những "siêu" dự án bất động sản tỷ đô của thời kỳ cấp phép nhiều.
Trong đó, có không ít dự án vốn FDI được khởi động vào thời điểm "hoàng kim" của thị trường bất động sản. Có thể kể tới hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang dọc bờ biển miền Trung, những sân golf chỉ ở trên giấy hay các dự án khu đô thị vẫn đang dang dở tại Hà Nội. Trong khi hiện nay, thị trường bất động sản nước ta đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì dòng vốn FDI lại không chảy vào những phân khúc này.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều dự án ngàn tỷ có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ được thực hiện một phần nhỏ rồi bỏ hoang còn lại cỏ mọc xanh um, có dự án vẫn chỉ “đứng hình” ở tầng 6 sau 5 năm xây dựng… Có thể kể đến một vài dự án điển hình như siêu dự án Daewoo Cleve nằm trong khuôn viên khu đô thị Văn Phú ở Hà Đông (Hà Nội) hiện vẫn đang “đứng hình” ở tầng 6 sau gần 5 năm xây dựng.