Vũ điệu của tín dụng

Minh Huệ - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Chưa đầy 1 tháng, tăng trưởng tín dụng tăng gần 2%, một bước nhảy khá xa. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, năm nay, tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng 13%. Như vậy, 1 tháng còn lại, tín dụng sẽ tăng trưởng thêm 3% nữa.

Vũ điệu của tín dụng
Tín dụng đến ngày 27/11 đã tăng trưởng 10,22% so với cuối năm 2013. Nguồn: interneg

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho biết tín dụng đến ngày 27/11 đã tăng trưởng 10,22% so với cuối năm 2013. Nếu so với con số ngày 30/10, là 8,63%, tín dụng đã có một bước nhảy vọt.

Với việc tăng trưởng tín dụng tăng dồn dập vào quý cuối năm, nhiều chuyên gia lo ngại không có nhiều ý nghĩa với tăng trưởng của nền kinh tế. Tín dụng cần phải tăng đều trong các quý của năm. Và vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từ đầu năm, nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Tín dụng nhảy múa

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, cho biết tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 10% và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12 - 14% trong năm 2014.

Thực tế, trong tháng 11, tín dụng đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng gần 2% với mức từ 8,63% lên 10,22%. Trong đó cả ngân hàng quy mô lớn, nhỏ đều tăng trưởng khá tốt, như Vietcombank, VietinBank đều trên 10%; khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nổi lên có SHB tăng trưởng tín dụng gần 27%, VPBank, Sacombank đạt trên 15%, Techcombank đạt 10%...

“Bản thân các doanh nghiệp (DN), các thành phần kinh tế cũng đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Tín dụng cũng vì thế tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu là bình thường”, ông Đông chia sẻ.

Vũ điệu của tín dụng - Ảnh 1

Về vấn đề này, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc tăng thêm 3% tín dụng trong tháng cuối năm không khó, vì theo chu kỳ của nền kinh tế, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng lên. Cụ thể, Chính phủ cũng có nhu cầu tín dụng để cơ cấu lại nợ, DN và người dân cũng có nhu cầu tín dụng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia ngân hàng cho biết trong quá khứ, việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng có nhiều yếu tố kỹ thuật. Nếu tăng trưởng tín dụng thấp, ngân hàng sẽ khó xin được “quota” cao trong năm tới, cho nên nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng thấp sẽ phải xử lý về mặt kỹ thuật.

Theo đó, hoặc ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay một khoản tiền, sau đó DN lại dùng khoản tiền đó gửi ngân hàng để thế chấp cho khoản vay mới. Hoặc DN gửi vào ngân hàng một khoản tiền và ngân hàng sẽ dùng đúng khoản tiền này để cho DN đó vay.

Với cách làm này, ngân hàng vừa có cả tăng trưởng huy động lẫn tăng trưởng tín dụng. “Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hiện nay, ngân hàng không nên áp dụng cách này”, vị này bình luận.

Hãy để thị trường nói về tín dụng

Có một thực tế, tín dụng sẽ cán đích là điều mà không ai bàn cãi, nhưng không ít băn khoăn về động lực của tăng trưởng tín dụng. Với mức lạm phát chỉ 2,6% trong 11 tháng, liệu tăng trưởng tín dụng thời gian qua có nói lên tiếng nói thực của nền kinh tế, khu vực sản xuất?

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng với việc lạm phát đến nay chỉ 2,6% đã được nói rất nhiều, thực tế là ngân hàng không cho vay được. Tín dụng mới chuyển dịch trong mấy tháng gần đây.

“CPI thấp là điều đáng lo ngại, đó là sức mua giảm xuống, có nghĩa là sự luân chuyển hàng hóa chậm lại. Điều đó có nghĩa, lạm phát thấp sẽ tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Phước bình luận.

Thực tế, nền kinh tế, DN đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản thanh khoản kém và các lĩnh vực liên quan như xi măng, sắt thép, xây lắp cũng đang khó khăn.

Trong khi đó, có một thông tin liên quan đến tăng trưởng tín dụng, đó là tính từ đầu năm đến cuối tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã huy động tới hơn 190.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Phần lớn khối lượng này có từ sự tham gia của các NHTM.

Ở góc nhìn khác, PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết để kích thích tăng trưởng tín dụng thì nên kích thích nhu cầu tín dụng trung và dài hạn.

Theo ông Ngân, vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao tận dụng cơ hội này, cơ hội chỉ số giá đang thấp để nới lỏng chính sách tài khóa cũng như tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng phải kiểm soát. Bởi thông thường, lạm phát mà thấp quá thường hàm chứa yếu tố sẽ tăng trong tương lai. Cho nên chính sách tiền tệ cần nới lỏng trong thời gian tới nhưng có kiểm soát.

“Tôi nghĩ chính sách lãi suất cần phải tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới để hỗ trợ cho DN. Hoặc chúng ta nên có gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn để hỗ trợ DN mua máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh. Có gói hỗ trợ như vậy thì sẽ tăng nguồn cung tiền trên thị trường và tạo lập mặt bằng giá mới ở mức chúng ta có thể kiểm soát được, như vậy sẽ thúc đẩy được tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Ngân bình luận.

Hiện nay, DN rất mong muốn có một nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định ở mức thấp. Ví dụ khoảng 5% và trong vòng 5 năm để đầu tư máy móc thiết bị nhưng phải giữ ổn định mức lãi suất đó trong khoảng thời gian vay.