Vụ Đông Xuân 2016 – 2017 tại Nam bộ dự báo sẽ gặp khó

PV.

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017 tại Nam bộ dự báo sẽ gặp khó. Từ những kinh nghiệm sản xuất năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ có kịch bản cụ thể đối phó với hạn, mặn trong thời gian tới.

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017 tại Nam bộ dự báo sẽ gặp khó
Vụ Đông Xuân 2016 – 2017 tại Nam bộ dự báo sẽ gặp khó

Ngày 5/10, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2016-2017 vùng ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính của khu vực Nam bộ nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đóng góp lớn vào sản xuất nông nghiệp cả năm của toàn vùng. Tuy nhiên, sau nhiều năm vụ Đông Xuân tăng trưởng đều đặn, thì năm 2016 tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nền của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu.

Theo dự báo và những gì đang xảy ra, vụ Đông Xuân 2016 – 2017 tại khu vực Nam Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lũ có thể cạn kiệt hơn, khô hạn và xâm nhập mặn xuất hiện sẽ không thua gì thời gian vừa qua.

Thiếu nước ngọt

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo, vụ Đông Xuân này, tại vùng Đông Nam bộ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước ngọt trong sản xuất.

Theo đó, dự báo nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn như vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển là hơn 300.000 ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm hơn 21% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2016 - 2017 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nền nước đầu lũ cho tới thời điểm này đang ở mức thấp, nên khả năng có lũ lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là thấp. Vì vậy, nếu không có gì biến động lớn, nhận định lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 là năm lũ nhỏ.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo vào khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10 ở mức trung bình báo động 1 và báo động 2, cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Nếu có bất thường về thời tiết thì lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, tình hình lũ thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ mùa khô 2016 – 2017 sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Vì vậy, cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chủ động sớm

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện khoa học thủy lợi Miền Nam cho biết, sẽ tiến hành đo nồng độ mặn thời gian sớm tại tất cả 39 trạm đo nồng độ mặn trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, sẽ gửi kết quả đến các địa phương cũng như các phương tiện thông tin truyền thông nhằm chủ động sớm trong sản xuất vụ Đông Xuân 2016 – 2017. 

Cùng với đó, các địa phương cần theo dõi diễn biến thời tiết; phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy nước, thau rửa ô nhiễm để phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, xem xét tích trữ nước hợp lý vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới đề phòng khả năng xảy ra hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2016-2017.

Các tỉnh cũng theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả. Cũng như chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm tưới khi xảy ra hạn hán.

Đặc biệt, các tỉnh tập trung nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ trên hệ thống kênh rạch nội đồng.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng sớm lựa chọn đưa vào sử dụng các giống chịu hạn mặn, sử dụng các loại cây trồng tốn ít nước. Trong đó, c hủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ hợp lý né tránh hạn mặn, giảm thiểu thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để chủ động nước trong sản xuất vụ Đông Xuân 2016 – 2017, ngành nông nghiệp đã đưa ra lịch thời vụ nhằm chia sẻ nguồn nước giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bằng việc xuống giống xen kẻ giữa các vùng.

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, dự kiến toàn vùng Nam bộ gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, giảm gần 0,5 triệu ha; năng suất đạt gần 7 tấn/ha, tăng hơn 5 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 11 triệu tấn, tăng gần 800.000 tấn so vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Trong đó, Đông Nam bộ gieo sạ gần 75.000 ha; năng suất đạt gần 6 tấn/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng hơn 400.000 tấn, tăng gần 4.500 tấn so vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ hơn 1,5 triệu ha, giảm gần 5.000 ha; năng suất đạt 7 tấn/ha, tăng hơn 5 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn, tăng gần 800.000 tấn so vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ giao nhiệm vụ các đơn vị giám sát, dự báo mặn, thông tin thường xuyên, kịp thời đến các cấp các ngành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc này phục vụ chỉ đạo điều hành hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp, thoát nước cho sản xuất, dân sinh phục cũng như vận hành hệ thống thủy lợi phòng chống hạn, xâm nhập mặn hiệu quả.

Riêng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn sẽ cập nhật, có báo cáo chi tiết, cụ thể tình hình một cách sớm nhất và rộng khắp. Từ những kinh nghiệm sản xuất năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ có kịch bản cụ thể đối phó với hạn, mặn trong thời gian tới.