Vừa kích cầu, vừa tiết kiệm?
Vẫn có thể khuyến khích cả hai cùng lúc, tiết kiệm trong nước và kích cầu ngoài nước thông qua xuất khẩu và các dịch vụ mà nước ngoài có nhu cầu. Kích cầu trong nước cũng thực hiện được khi gói giải pháp của Chính phủ được thực hiện có hiệu quả.
Như bài toán con gà và quả trứng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì tiết kiệm là quốc sách. Thế nhưng nếu không tiêu dùng thì sản xuất đình đốn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, lại không tạo ra thu nhập.
Tuy nhiên, vẫn có thể khuyến khích cả hai cùng lúc, tiết kiệm trong nước và kích cầu ngoài nước thông qua xuất khẩu và các dịch vụ mà nước ngoài có nhu cầu. Kích cầu trong nước cũng thực hiện được khi gói giải pháp của Chính phủ được thực hiện có hiệu quả.
Nền kinh tế Việt Nam dự báo trong năm 2009 vẫn còn nhiều khó khăn. Khủng hoảng tài chính thế giới với tác động lan tỏa đã dẫn đến suy thoái và Việt Nam không ngoại lệ. Xuất khẩu chắc chắn không thể tăng trưởng mạnh như trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và may mặc đã bị thu hẹp thị phần. Lĩnh vực FDI và đầu tư trong nước đang bị cạn kiệt về vốn tín dụng và cầu thị trường yếu.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang trong trạng thái chờ đợi, do vậy chi tiêu đầu tư từ các doanh nghiệp sẽ khó khởi sắc mặc dù cuối năm chính sách tiền tệ đã nới lỏng. Khu vực dân cư cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ khu vực doanh nghiệp do thu hẹp sản xuất, đầu tư và xuất khẩu. Thu nhập dân cư diễn biến bất lợi vì lượng công việc giảm, thất nghiệp cao.
Ba thành phần cơ bản của khối tổng cầu nền kinh tế là chi tiêu từ hộ gia đình, chi tiêu từ khu vực nước ngoài qua xuất khẩu, chi tiêu đầu tư từ doanh nghiệp sẽ khó lòng khôi phục nhanh. Vấn đề còn lại là phải có những kích thích chủ động từ chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua các gói kích cầu.
Lãi suất đã giảm nhưng tiêu dùng và đầu tư từ tín dụng vẫn chưa tăng nhiều. Vì vậy bản thân cầu nội địa cũng khó tăng. Khi cầu không tăng thì cũng khó “kích cung”. Gói giải pháp kích cầu sẽ thực sự hiệu quả trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư yếu khi thỏa mãu các yếu tố: tạo được việc làm cho nhiều người, chọn đúng lĩnh vực ưu tiên liên quan đến an sinh xã hội và có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, và các lĩnh vực hỗ trợ xuất khẩu; giải ngân phải nhanh, minh bạch, có giám sát chặt chẽ. Như vậy thì sẽ có tác động “số nhân” tạo thu nhập cho nhiều người dân, kích thích các ngành khác sản xuất và từ đó cũng tạo ra thu nhập.
Tiết kiệm, hay là thu hẹp tiêu dùng là luồng suy nghĩ khá phổ biến trong bối cảnh suy thoái. Tiết kiệm để dự phòng cho một tương lai không chắc chắn do nền kinh tế thế giới đang đi xuống vì khủng hoảng, hay là tiêu dùng hôm nay nhiều hơn để kích cầu trong nền kinh tế và từ đó tạo ra tăng trưởng thu nhập cao hơn trong tương lai? Cả hai đều có lý.
Tiết kiệm vì lý do dự phòng một tương lai không chắc chắn sẽ chiếm ưu thế nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay. Còn kích thích tiêu dùng chỉ có khả năng xảy ra khi người dân và doanh nghiệp ổn định được dòng thu nhập thường xuyên, có nghĩa là dân chúng vẫn có thu nhập từ việc làm, doanh nghiệp vẫn có thu nhập từ thị trường.
Vậy vẫn có thể khuyến khích cả hai hoạt động cùng lúc. Cụ thể, trong nước nên tiết kiệm, còn kích thích tiêu dùng chủ yếu thông qua xuất khẩu. Ví dụ có thể giảm giá tour du lịch để hướng du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, hoặc mở rộng các chính sách ưu đãi DN xuất khẩu để có khả năng cạnh tranh với hàng hóa các nước.
Chúng ta đã thảo luận nhiều về cách tiếp cận từ chính sách “kích cầu”trong bối cảnh suy thoái của Việt Nam. Mỗi tiếp cận đều tác động đến bốn yếu tố của tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ, tiêu dùng nước ngoài) và đều có những lợi ích và độ trễ khác nhau.
Tiêu dùng và đầu tư muốn được đẩy mạnh thực hiện, chỉ khi chúng ta phát huy hiệu quả các “gói” kích cầu của Chính phủ. Còn tiết kiệm mang tính dự phòng những biến động khủng hoảng là điều đương nhiên phải làm. Còn hướng đến thu nhập và tiết kiệm nước ngoài là điều có thể thực hiện ngay, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch. Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy và những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn là những nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu và như vậy cho dù đang khủng hoảng nhưng dân cư các nước khác trên thế giới vẫn cần phải sử dụng.
Như vậy, giữa tiết kiệm và kích cầu không phải triệt tiêu nhau và có thể khuyến khích thực hiện được cùng lúc, tùy vào sự linh hoạt của các biện pháp sẽ được thực hiện.