Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ chiếm 32% tỷ trọng xuất khẩu cả nước
(Tài chính) Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch nêu rõ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng nâng dần tỷ trọng của dịch vụ và công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; tỷ trọng xuất khẩu bằng 25-27% của cả nước vào năm 2015 và bằng 32% năm 2020.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ hình thành hệ thống hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, có hệ thống giao thông hoàn thiện, nhất là về hàng không và đường bộ; mạng lưới phân phối thương mại hiện đại, thỏa mãn yêu cầu về điện, nước, viễn thông, môi trường và chiếu sáng đô thị,…và 100% dân cư được dùng nước sạch.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ dựa trên lợi thế và tiềm năng, tự nhiên, xã hội cũng như so sánh về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, tài nguyên để đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển chung của nền kinh tế. Đây sẽ là địa bàn đi đầu trong cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, có sức cạnh tranh cao so với các vùng khác trong nước và khu vực.
Dự kiến, để đạt mục tiêu nói trên, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ cần số vốn đầu tư phân theo các thời kỳ khác nhau.
Thời kỳ 2011-2015: Mức vốn đầu tư tương ứng được dự báo ước vào khoảng 32% GDP của cả vùng; riêng giai đoạn 2014-2015, số vốn đầu tư tương ứng khoảng 21 tỷ USD (giá USD năm 2010) hay tương ứng với khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng (giá năm 2010). Dự kiến mức đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước là 136 nghìn tỷ đồng và khoảng 70% số vốn ngân sách nhà nước sẽ dành cho kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải, xử lý rác thải, nước thải, thủy lợi, cơ sở phát điện...
Thời kỳ 2016-2020: Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn này ước tính sẽ vào khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng, trong đó số vốn từ Nhà nước sẽ tiếp tục ở mức 32-33%, tức là khoảng 460 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước tiếp tục dành cho kết cấu hạ tầng tiếp tục chiếm khoảng 65-70% nhằm dứt điểm các hạng mục hiện đại, tạo cơ sở phát triển trong thời kỳ tới).
Cuối cùng thời kỳ 10 năm 2021-2030, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ tập trung phát triển các ngành dịch vụ hiện đại và hệ thống đường cao tốc, tuyến đường sắt cao tốc, cảng hàng không hiện đại tại Vân Đồn hoặc Tiên Lãng khi cảng Nội Bài mãn tải. Tổng số vốn được huy động và sử dụng tại vùng vào khoảng 5.900-6.000 nghìn tỷ đồng (giá năm 2010), tương ứng khoảng 27-28% GDP của cả vùng; trong đó, số vốn của ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 45-50%.