Vươn lên trong khó khăn, cần mạnh mẽ hơn nữa

GS.TS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

(Tài chính) Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam 11 tháng và triển vọng cả năm 2014 đã có bước vươn lên trong khó khăn, đạt được những tiến bộ rõ nét đáng ghi nhận, thực hiện tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 - phân tích của GS., TS. Nguyễn Quang Thái.

 Vươn lên trong khó khăn, cần mạnh mẽ hơn nữa
Diễn biến của năm 2014 đã xuất hiện nhiều hơn các nhân tố tích cực cả chủ quan và khách quan. Nguồn: internet

Tại tháng cuối của năm 2014, có thể ghi nhận một số điểm sáng quan trọng trong năm 2014, đồng thời, với nhiệm vụ năm cuối toàn kỳ kế hoạch 2011-2015, cũng cần nêu ra những yếu kém phải ra sức khắc phục, những khó khăn to lớn cần vượt qua và nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng cần mạnh mẽ triển khai trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Những điểm sáng đáng ghi nhận - ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Khi đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, GDP tăng trưởng 5,8% và giảm lạm phát CPI xuống 7% năm 2014, Quốc hội - vào cuối năm 2013 - đã ghi nhận những tiến bộ trong điều hành kinh tế năm 2013 và lường trước những khó khăn có thể vấp phải. Dường như, diễn biến của năm 2014 đã xuất hiện nhiều hơn các nhân tố tích cực cả chủ quan và khách quan, góp phần làm xoay chuyển cục diện, càng về tháng cuối năm càng diễn biến theo hướng thuận lợi hơn.

Đầu tiên là về lạm phát. Mức tăng trưởng khá đạt được trong điều kiện lạm phát thấp, khoảng dưới 3%, so với kế hoạch là 7%. Tin vui này có phần “bất ngờ”, do lạm phát đạt thấp nhất trong hơn 10 năm?

Không, đó là kết quả tất yếu của quá trình liên tục duy trì mức giá ổn định, trong khi tôn trọng các quan hệ cung cầu trên thị trường!

Năm 2014 có hai nhân tố làm cho mức tăng giá trở nên “âm” là lương thực thực phẩm và năng lượng. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp được mùa, giá lương thực thực phẩm gần như không tăng, trong khi giá năng lượng, chủ yếu là giá dầu mỏ thế giới, giảm mạnh 20-30% trong năm, làm giá xăng dầu trong năm giảm 10 lần tới 20%. Giá điện cũng giữ mức giá bình quân từ tháng 8/2013, làm cho CPI cả năm sẽ đạt dưới 3%. Nếu loại trừ yếu tố giao động “mùa vụ” của năng lượng và lương thực thực phẩm, chỉ số CPI “lõi” (core CPI) cũng chỉ khoảng 3-4%, là mức thấp hơn kế hoạch. Tuy nhiên, mức CPI này của Việt Nam vẫn là cao hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực. Dù năm tới giá năng lượng thế giới có thể giảm tiếp, nhưng giá lương thực thực phẩm khó giảm mạnh do nông nghiệp ít khi được mùa liên tiếp. Vì vậy, mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao cho năm 2015 là 5%, phản ánh quan điểm thận trọng, coi trọng các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện tốt cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả vững chắc. Điều đáng ghi nhận là mức lạm phát thấp đạt được, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khá hơn dự kiến trong các lĩnh vực cho thấy không có dấu hiệu giảm phát như có một số cảnh báo.

Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt năm 2014, nhất là các tháng đầu năm, tình hình kinh tế chưa có chuyển biến mạnh. Một số nhà kinh tế trong Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 4/2014 đã đưa một số nhận định có phần bi quan,[1] thậm chí có nhà kinh tế đã nhận định kinh tế khó thoát đáy trong ngắn hạn. Luồng suy nghĩ này cũng có đâu đó trong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 10/2014, mà ngay một nhà kinh tế lạc quan cũng có câu nói nổi tiếng là nền kinh tế đang “vật vã” đi lên. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2014, có thể nhìn thấy bức tranh kinh tế dường như màu sáng nhiều hơn. Đà tăng trưởng kinh tế có chuyển biến tốt trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu; tốc độ tăng trưởng đều cao hơn cùng kỳ các năm trước. Kết quả là đã có chuyển biến tích cực, với mức tăng khá ở cả phía “cung” từ các ngành sản xuất GDP và ở phía “cầu” cuối cùng của GDP với các thành tố tiêu dùng - đầu tư và xuất khẩu ròng.

Về phía “cung - sản xuất” GDP trong các ngành kinh tế: Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 11,1% (trừ yếu tố giá tăng 6,5%, cùng kỳ tăng 5,5%), du khách nước ngoài 11 tháng đạt trên 7,2 triệu khách tăng 5,4% so cùng kỳ (dù đã bị giảm mạng giữa năm vì sự kiện giàn khoan 981).  Khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp mưa gió thuận hòa, với năng suất tăng, sản lượng lúa cả năm tăng hơn 800 nghìn tấn, rau quả đạt sản lượng khá, sản lượng thủy sản 11 tháng đạt gần 5,74 triệu tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ. Điểm sáng năm 2014 là sản xuất công nghiệp có tăng trưởng khá, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Phân ngành này đã tăng đạt 8,6% so với cùng kỳ, trong khi năm 2013 chỉ tăng 7,1%. Sản xuất và phân phối điện tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 8,6%), công nghiệp khai khoáng tăng 2,7% (cùng kỳ giảm 0,5%). Tất cả các chỉ tiêu này đều góp vào mức tăng IIP 5,3% so với tháng 10 và tăng 11,1% so cùng kỳ (năm 2013 chỉ tăng 5,6% so năm 2012). Do đó, các chỉ tiêu dự báo kinh tế đều được điều chỉnh tăng, đạt trên 5,8%. Ngay Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đã điều chỉnh mức tăng GDP từ 5,4% lên 5,6% cho năm 2014, kèm theo lời bình luận khích lệ rằng, nếu những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ tiếp tục được xúc tiến mạnh mẽ thì kết quả tăng trưởng còn có thể cao hơn.

Về phía “cầu cuối cùng” của nền kinh tế cũng có tín hiệu tốt. Xuất khẩu cả nước tăng đạt mức kỷ lục, đạt mốc 150 tỷ USD, trong đó 11 tháng ước đạt 137 tỷ USD. Đó là mức tăng khá không chỉ của khu vực FDI với nhiều sản phẩm mới, quy mô lớn, tăng 14,1%, mà cả của các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa cũng tăng 13% khi cùng kỳ chỉ tăng 3,6%. Mức nhập khẩu cả năm ước đạt 148,5 tỷ USD, xuất siêu 1,5 tỷ USD, hay 1% giá trị xuất khẩu, đạt xuất khẩu thuần dương,  cùng với đầu tư và tiêu dùng cuối cùng tiếp tục tăng khá đã cho phép khẳng định mức tăng trưởng GDP không những có thể đạt mức kế hoạch 5,8% mà có thể còn đạt cao hơn 5,9% một chút. Thật vậy, về mặt tiêu dùng cuối cùng, dù chưa có báo cáo chi tiết, nhưng số liệu về tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, một chỉ tiêu phản ánh gần sát mức tiêu dùng cuối cùng tiếp tục tăng về lượng, sau khi trừ yếu tố tăng giá đã tăng 6,5%, phản ánh mức tiêu dùng cuối cùng đã tăng lên chút ít trong khó khăn, khi giá cả tiêu dùng tiếp tục ổn định ở mức thấp. Về mặt đầu tư, cùng với giải ngân khá 11 tháng của ODA (gần 5 tỷ USD), FDI (11,2 tỷ USD) và đầu tư công tập trung hơn vào các khu vực hạ tầng thiết yếu, trong điều kiện tái cơ cấu đầu tư công. Khu vực đầu tư ngoài Nhà nước cũng có chuyển biến tích cực, từ cả vốn tự có và tín dụng, làm cho các cam kết đầu tư của các doanh nghiệp mới đăng ký tăng 8,9% về vốn, nhiều doanh nghiệp tạm dừng đã quay lại sản xuất kinh doanh. Các cuộc khảo sát với quy mô 1.000 phiếu/kỳ vào tháng 8/2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cho thấy đầu tư hộ gia đình tăng trở lại, tăng 7 điểm % so với tháng 2/2014 và tăng 18 điểm % so với tháng 7/2013. Tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế đã được đẩy lên vượt tỷ lệ 10% trong 11 tháng (tăng 15% so cùng kỳ), hứa hẹn cả năm đạt 12-14% như kế hoạch, tiếp thêm vốn đều đặn cho nền kinh tế. Có thể ước lượng, vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao hơn 30% GDP.

Từ cả hai mặt cung-cầu, cũng như đánh giá kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai mạnh mẽ từ đầu năm 2014 (như Nghị quyết 19-CP tháng 3/2014 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh), mang lại kết quả tích cực, cơ quan thống kê Trung ương đưa ra đánh giá, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và có thể tăng cao trên 5,9%, nếu không có những biến động bất thường vào những ngày cuối năm.

Với kết quả tăng trưởng này, có thể thấy, các đánh giá có phần bi quan đầu năm, mang tính cảnh báo rất cần thiết, đã có tác động tư vấn thiết thực, tạo sự chuyển biến trong các ngành và lĩnh vực.

Liên quan tới các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh các chỉ tiêu về lạm phát thấp, các chỉ tiêu về cân đối ngân sách đạt khá: Trong 11 tháng đã hoàn thành nhiệm vụ thu cả năm, mức chi đạt thấp hơn kế hoạch, nên triển vọng cả năm vẫn giữ được bội chi ở mức kế hoạch, 5,3%GDP. Thị trường tài chính – tiền tệ ổn định, lãi suất có xu hướng giảm, tín dụng tăng khá. Tỷ giá được điều chỉnh nhẹ, tạo mức khá ổn định trong điều kiện xuất siêu. Cán cân thành toán tổng thể thặng dư ở mức cao trên 11 tỷ USD, trong khi đến cuối tháng 11/2014 tổng phương tiện thanh toán M2 tăng gần 13% so với cuối năm 2013, bảo đảm guồng máy kinh tế hoạt động trôi chảy.

Khó khăn vẫn còn nhiều - mối lo về nợ xấu, doanh nghiệp và việc làm

Bên  cạnh các tín hiệu lành mạnh, một số lĩnh vực cũng còn hạn chế đang nổi lên cần tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Báo cáo của Chính phủ với Quốc hội cho thấy, nếu không kể các khoản nợ đã được sắp xếp lại, thì vẫn còn tỷ lệ nợ xấu khá lớn, đòi hỏi phải đưa về mức bình thường là 3% vào cuối năm 2015. Nợ xấu cũng liên quan đến nợ của khối các DNNN mới được Chính phủ công bố lên tới 1,5 triệu tỷ đồng, với tiến trình cổ phần hóa còn chậm, đang gây cản trở cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của các DNNN. Mặc dù vậy, những sáng kiến đảo nợ, kể cả bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế đạt kết quả cao vừa qua, thời hạn 10 năm, lãi suất dưới 5% với số khách chào mua lên tới 10 lần trị giá chào bán, cho thấy sự tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng kinh tế Việt Nam cần được nuôi dưỡng một cách thiết thực.

Sức khỏe của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, nhất là của khu vực tư nhân trong nước là vấn đề đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách rất quan tâm.

Các doanh nghiệp FDI đã được đẩy mạnh, không chỉ do các ưu đãi của Chính phủ, mà còn do năng lực quản trị tốt, với mạng lưới toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp nội địa yếu kém, chủ yếu là do trình độ quản trị, dù là DNNN hay tư nhân, cũng đang là mối quan tâm nổi lên hiện nay.

Báo cáo của WB tại Việt Nam nêu rõ: “Doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước”. Báo cáo nhấn mạnh: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước, và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. Ngành chế tạo, chế biến của Việt Nam vẫn là ngành chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài: hiện ngành này chiếm khoảng 70% tổng số vốn FDI đăng ký”. Một trong những thách thức to lớn là, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa của kinh tế nội địa chưa làm tốt vai trò hỗ trợ, cầu nối với doanh nghiệp FDI, vươn ra thế giới, chưa chiếm tỷ trọng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ thị trường nội địa, đang đòi hỏi được xử lý ráo riết từ nhiều phía, đáp ứng nhu cầu cao của hội nhập nhanh và cạnh tranh gay gắt.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, dó là việc làm và việc làm có năng suất cao trong nền kinh tế chuyển đổi. Năm qua, số người được tạo việc làm mới còn yếu, dù số người được đi lao động nước ngoài vẫn cao, đạt khoảng 100.000 lao động/năm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng chưa đủ sức tạo ra thị trường lao động có năng suất cao ở đô thị, vùng ven đô và lao động phi nông nghiệp ở nông thôn, trong khi lao động thuần nông vẫn có mức năng suất lao động thấp, chiếm tới 48% lực lượng lao động, đang làm cho năng suất lao động toàn xã hội bị thấp xa so với các nước trong vùng.

Cần vươn lên mạnh hơn trong năm 2015

Cùng với nhận định rõ những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục, cũng cần thấy rằng, nhiều nhân tố tích cực khách quan và chủ quan của năm 2014 có thể sẽ không được tiếp tục trong năm 2015 (như thời tiết thuận hòa), trong khi các yêu cầu về đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi những nỗ lực rất lớn để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nêu ra trong lĩnh vực kinh tế (chưa nói tới các vấn đề xã hội, môi trường, thể chế). Có nhiều nhân tố khách quan về xu hướng giảm giá năng lượng và vật tư phi-dầu cũng cần được phân tích để có những đối sách căn cơ hơn, tạo ra năng suất mới, hiệu quả tốt hơn.

Các vấn đề cải cách thể chế sẽ gặp khó khăn thêm khi phải vượt qua các rào cản về tâm lý và cả quan điểm phát triển (các cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh chạm dần vào các vấn đề khó của hệ thống pháp luật, khả năng thực thi của bộ máy công chức và việc phòng chống tham nhũng, quan liêu…). Với việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, phù hợp với các tư duy mới của kinh tế thị trường toàn cầu hóa, đang mở ra một không gian rộng lớn cho cải cách và phát triển, kết hợp tăng trưởng và giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho mọi người. Khi đó, Chính phủ cũng cần xử lý các vấn đề rất cụ thể như việc giao đất lâm trường cho các hộ gia đình người địa phương và các buôn làng, nhất là hàng 300.000 hộ còn chưa có đất ở, đất canh tác, tạo nên cơ chế giữ đất, giữ rừng, từ đó tăng thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống ấm no cho đồng bào, giữ vững an ninh, an toàn cho mọi vùng đất của Tổ quốc.

Bên cạnh nhiệm vụ Quốc hội giao về tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng cần thực hiện cơ bản xong trong năm 2015, nhưng cũng cần triển khai toàn diện hơn các nhiệm vụ của toàn bộ quá tình tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế như nông nghiệp, công thương,… và các địa phương và vùng lãnh thổ, cũng như toàn nền kinh tế.

Với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng lãnh đạo các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng và Công Thương đã cùng nhau ký kết giao ước phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, tạo ra niềm tin phối hợp chính sách tốt hơn trong thời gian tới. Năm 2015 cũng là năm có Đại hội Đảng bộ các cấp vào giữa năm và cả nước tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây là các sự kiện lớn trong dịp 70 năm Việt Nam độc lập, 40 năm thống nhất đất nước, chắc chắn sẽ tạo nên khí thế mới cho những bước phát triển mới của đất nước.


[1] Theo bản tin kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội số 10/2014, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam dự báo đạt 6,84% năm 2014 (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,53% tới cận trên 8,21% với độ tin cậy 80%) và sẽ tăng nhẹ lên mức 7,08% năm 2015 (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,71% tới cận trên 8,45% với độ tin cậy 80%). Cơ quan xây dựng bản tin cho rằng, nếu ưu tiên mạnh mẽ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì tỷ lệ lạm phát năm 2014 có thể sẽ cao hơn. Tuy vậy, nếu muốn kiềm chế lạm phát ở mức 6% thì chính sách kinh tế vĩ mô phải tập trung hạn chế cả các yếu tố “cầu kéo” và “chi phí đẩy”, qua đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. (xem http://vneconomy.vn/thoi-su/tang-truong-kinh-te-viet-nam-2014-kho-dat-muc-tieu-20140426083245491.htm ngày 26/4/2014). Các phân tích này đã không được thực tế chứng minh, cho thấy vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là bài toán phức tạp cần được chú trọng thời gian tới.