Vượt New York, Hồng Kông trở thành nơi có nhiều người siêu giàu nhất
New York đã để tuột mất ngôi vị là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới vào tay Hồng Kông, trong bối cảnh sự sản sinh tài sản diễn ra vào tốc độ mạnh mẽ tại khu vực châu Á.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo mới được công ty nghiên cứu Wealth-X công bố cho biết, dân số sở hữu tài sản cá nhân từ 30 triệu USD trở lên của Hồng Kông đã lớn hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Trong năm 2017, số người siêu giàu ở Hồng Kông tăng thêm 31%, lên mức khoảng 10.000 người, so với con số gần 9.000 người sở hữu mức tài sản tương tự ở New York.
Thủ đô Tokyo của Nhật đứng ở vị trí thứ ba, thủ đô Paris của Pháp đứng thứ tư. Việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, được xem là lý do khiến London tụt xuống so với Paris trong xếp hạng về dân số siêu giàu. Paris chứng kiến dân số siêu giàu tăng 17% trong năm 2017, đạt con số hơn 3.900 người.
Số người siêu giàu tại top 10 thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới - Nguồn: Wealth-X/Bloomberg.
Cũng theo Wealth-X, trên toàn cầu, số người siêu giàu đã tăng 13% trong năm ngoái, đạt khoảng 256.000 người, nắm tổng tài sản khoảng 31,5 nghìn tỷ USD.
Trong đó, châu Á là khu vực có dân số siêu giàu tăng nhanh nhất, dẫn đầu là Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Nhờ đó, tỷ trọng của châu Á trong số dân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên trên toàn cầu đã đạt mức khoảng 1/4, so với mức 18% cách đây 1 thập kỷ.
"Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ rút ngắn khoảng cách về số người siêu giàu với các khu vực khác trên thế giới trong vòng 5 năm tới, nhưng có thể vẫn sẽ đứng sau châu Âu, Trung Đông và Mỹ về con số tuyệt đối", bản báo cáo viết. Theo báo cáo, số người siêu giàu ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng với tốc độ khoảng 8,3% mỗi năm.
Số người siêu giàu tại top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều người siêu giàu nhất thế giới - Nguồn: Wealth-X/Bloomberg.
Số người siêu giàu là nữ trên toàn cầu đạt khoảng 35.000 người trong năm ngoái, chiếm tỷ lệ cao chưa từng thấy 14%.
Hồng Kông dẫn đầu xếp hạng về số dân siêu giàu, nhưng không có thành phố nào của Trung Quốc đại lục lọt vào top 10, dù nước này đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia có nhiều người siêu giàu nhất.
Đó là do tài sản của Trung Quốc có sự phân tán lớn hơn, thể hiện qua việc nước này có 26 trong tổng số 30 thành phố đang có dân số siêu giàu tăng nhanh nhất.
"Tuy nhiên, sự sản sinh tài sản trên quy mô rộng lớn của Trung Quốc là rất ấn tượng", báo cáo viết.
Theo báo cáo, sự nổi lên của Hồng Kông cũng phản ánh làn sóng sản sinh tài sản của Trung Quốc. Vị trí dẫn đầu thế giới của thành phố này về số dân siêu giàu trên toàn cầu "được hỗ trợ bởi các mối liên kết thương mại và đầu tư được tăng cường với Trung Quốc đại lục".
Một số khó khăn mà thị trường hàng hóa cơ bản phải trải qua là một nhân tố khiến khu vực Trung Đông chứng kiến sự tăng trưởng yếu nhất toàn cầu cả về lượng tài sản và số cá nhân thuộc tầng lớp siêu giàu, với mức tăng tương ứng chỉ đạt 4,8% và 4,4%.
Tuy nhiên, tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến cả tài sản và số lượng của những người siêu giàu tăng lên nhờ thị trường tài chính toàn cầu nhìn chung thuận lợi.
Cũng theo báo cáo, người siêu giàu trên toàn cầu giữ 35% giá trị tài sản dưới dạng dưới các tài sản có độ thanh khoản cao như tiền mặt, một tỷ trọng lớn hơn bất kỳ dạng tài sản nào khác.
Cổ phần tư nhân chiếm khoảng 32% tài sản của giới siêu giàu, và cổ phần trong các công ty đại chúng chiếm 26%. Các tài sản khác như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật và du thuyền chiếm 6,6% tổng tài sản của giới đầu tư toàn cầu.