Vượt qua khó khăn, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẵn sàng đón thách thức mới
Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ đã nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận với giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 14,4 tỷ USD. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
Phóng viên: Công nghiệp gỗ là một trong những ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp. Xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật từ xuất khẩu gỗ vừa qua?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mang tính bứt phá liên tục trong vòng hơn 20 năm qua. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2021, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ luôn đạt trên 10%/năm.
Trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, năm 2022, ngành gỗ vẫn xuất khẩu được 17,1 tỷ USD. Dù không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, năm 2023, xuất khẩu lâm sản ước đạt 14,4 tỷ USD. Giá trị xuất siêu của lâm sản vẫn ước đạt 12,199 tỷ USD.
Với kết quả đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ.
Nhìn lại năm 2023 vừa qua là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành gỗ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát tăng cao tại một số quốc gia phát triển, Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng giảm chi tiêu; xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Phóng viên: Năm 2024, ngành công nghiệp gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD... Trong bối cảnh các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, việc tìm kiếm thêm các thị trường mới, thị trường nhỏ, thị trường ngách là câu chuyện DN cần tính đến.
Ông Ngô Sỹ Hoài: Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng lẫn DN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát chỉ tiêu đề ra để tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều DN gỗ đã và đang thay đổi thiết bị và công nghệ theo hướng giảm chi phí nhân công và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều dây chuyền tự động hóa được đưa vào vận hành, thay thế nhiều công đoạn lao động thủ công đem lại hiệu quả cao hơn so với trước kia. Công nghệ chế biến gỗ cũng có nhiều tiến bộ. Có DN đã tính đến chuyện sử dụng công nghệ biến tính nhiệt để gia tăng sức chống chọi với thời tiết, tăng độ bền của gỗ...
Đây cũng là điểm sáng đối với ngành gỗ vừa qua. Nhờ những nỗ lực này mà so với nhiều quốc gia xuất khẩu gỗ trên thế giới, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Phóng viên: Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, thị trường gỗ được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong năm tới. Ông có thể chia sẻ cụ thể thêm về những thách thức này?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, nhất là những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu gỗ năm 2024 được dự báo là vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Bên cạnh các khó khăn về thị trường do tình hình thế giới bất ổn, ngành công nghiệp gỗ còn đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành.
Trước hết, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.
Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Đồng thời, Mỹ cũng vừa đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động, từ đó gây áp lực đối với các DN xuất khẩu gỗ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam - đưa ra quy định về chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ tháng 6/2023, trong đó quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng…
Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR có thể sẽ gây khó khăn cho các DN xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là yêu cầu về xác định chính xác vị trí địa lý lô đất sản xuất…
Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới (là gỗ rủi ro về pháp lý), chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Về lâu dài, điều này sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh của gỗ Việt…
Phóng viên: Trước những khó khăn được dự báo, ông có khuyến cáo gì để xuất khẩu gỗ đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đã đề ra, thưa ông?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Công nghiệp gỗ vẫn là ngành có nhiều triển vọng phát triển. Tăng trưởng của thương mại gỗ toàn cầu được dự báo khoảng 7%/năm. Ước tính tổng giá trị thương mại gỗ toàn cầu hiện tại là 560 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 960 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Hiện nay, cơ bản các DN vẫn gia công theo đơn hàng của nhà phân phối nước ngoài, với phân khúc đồ gỗ nội, ngoại thất phổ thông. Về lâu dài, chúng ta cũng cần phải có tỷ lệ nhất định sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn, có thương hiệu và mẫu mã do mình chủ động tiếp thị, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, để vượt qua thách thức, các DN gỗ Việt cần phải nhìn lại chính mình, thay đổi cách quản trị DN, cải tiến công nghệ, thiết bị để có thể đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài các thị trường truyền thống, các DN cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới để hạn chế rủi ro, trong đó cần chú trọng tới cả thị trường Trung Đông, thậm chí cả thị trường châu Phi… Do đó, DN cần tận dụng mọi cơ hội, chắt chiu từng đơn hàng để vượt qua thời điểm khó khăn sắp tới.
Về phía Nhà nước, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chỉ đạo các địa phương quy hoạch có khu, cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ, cũng như có không gian đủ lớn để tổ chức hội chợ ngang tầm quốc tế; đồng thời có chính sách hỗ trợ trồng rừng hiện tại, tiến tới dần dần phải có chứng chỉ rừng.
Đối với các hội chợ quốc tế của ngành gỗ thường có chi phí tham gia rất cao, trong khi chính sách hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia lại rất nhỏ đang trở thành rào cản để DN gỗ Việt quảng bá sản phẩm ở nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ DN tham gia hội chợ quốc tế lớn, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!