WB khuyến nghị về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế
(Tài chính) Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa tổ chức Hội thảo về chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam.
Tại hội thảo này, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, trong đó có các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế.
Bổ sung tiêu chí đánh giá thủ tục thuế
Bà Joanna Nasr, đồng tác giả Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB cho biết văn bản này xem xét tất cả các sắc thuế và bảo hiểm bắt buộc (ở tất cả các cấp). Các chỉ số hiện nay đo lường gánh nặng thủ tục hành chính về chuẩn bị, kê khai và nộp 3 loại thuế chủ yếu (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng và các loại bảo hiểm bắt buộc).
Tuy nhiên, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, các chỉ số nộp thuế sẽ được mở rộng để đo lường các quy trình sau kê khai vốn cũng là một gánh nặng thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp như thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế…
WB khuyến cáo để cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam có thể đơn giản hóa các quy định kê khai đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại bảo hiểm bắt buộc. Phần mềm mới của thuế gắn kết với phần mềm kế toán doanh nghiệp để tự động tính toán theo yêu cầu của kê khai thuế. Ngoài ra, cần triển khai hệ thống nộp tờ khai và nộp thuế qua mạng cũng như thiết lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp.
Về lâu dài, Việt Nam cần bổ sung nội dung cải cách sau kê khai: Thanh tra thuế, hoàn thuế và xử lý khiếu nại thuế. Chuyên gia WB cũng lưu ý một số vấn đề như: quy định thời hạn giải quyết, việc triển khai trên thực tế (thực thi các quy định của pháp luật); hoàn thuế tự động; các nền tảng điện tử dành cho việc thông tin giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết ngành Thuế ước tính đã cắt giảm 370 giờ nộp thuế sau khi đã sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp luật. Trong số đó, 201,5 giờ được cắt giảm do có Thông tư 119; 88,3 giờ được cắt giảm do Nghị định 91 và 80 giờ được cắt giảm do có Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015).
Tổng cục Thuế sẽ rà soát cắt giảm số giờ nộp thuế như đơn giản hóa các quy định về hóa đơn, chứng từ; điều chỉnh sự khác biệt giữa kế toán và thuế như thời điểm nghi nhận doanh thu, chi phí; sửa đổi các quy định về hồ sơ, thủ tục về hàng hóa tổn thất.
Lãnh đạo cơ quan Thuế cũng nhấn mạnh bên cạnh các giải pháp về chính sách, Tổng cục Thuế đã đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ khai thuế điện tử, và tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ người nộp thuế. “Chúng tôi cũng giám sát và chấn chỉnh việc thực thi công vụ của cán bộ trong toàn ngành”, ông Tuấn cam kết.
Phải nỗ lực hơn trong năm 2015
Khuyến nghị các giải pháp trong thời gian tới, bà Joanna Nasr nhận định Việt Nam có thể xem xét việc lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế. Việc hỗ trợ có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử nhằm giúp người nộp thuế hiểu rõ và được sự hướng dẫn cụ thể hơn khi triển khai các thủ tục hành chính mới.
Ông Cao Anh Tuấn cho biết, ngành Thuế sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm đạt mục tiêu 171 giờ vào cuối năm 2015, mức tương đương với các quốc gia trong khu vực đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ trong thời gian vừa qua.
Hiện Tổng cục Thuế đang triển khai thực hiện Quyết định số 3262/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015, đồng thời, Tổng cục cũng vừa ban hành Quyết định số 86/QĐ-TCT về Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015.
Theo đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Cụ thể hoá hệ thống các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai thực hiện Quy trình kiểm soát thủ tục hành chính; đánh giá tác động của thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, 48/2013/NĐ-CP và Thông tư 07/2014/TT-BTP; công bố, công khai niêm yết thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 986); kiểm tra từ 6 đến 8 Cục Thuế địa phương về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, niêm yết công khai, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, hành vi hành chính; tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị theo quy định.