Website gọi món hút vốn đầu tư
(Tài chính) Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2011, nhưng hai năm trở lại đây, mô hình đặt hàng thức ăn trực tuyến mới bắt đầu thu hút sự chú ý và đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn.
Trào lưu trang web đặt hàng thức ăn trực tuyến đã nổi lên tại thị trường châu Âu vào khoảng đầu những năm 2000 với những thương hiệu lâu đời và nổi tiếng như Takeaway (thành lập năm 2000) đến từ Hà Lan, Just-Eat (2001) của Anh... Gần đây nhất, hai thương hiệu của Đức là Delivery Hero (2011) và foodpanda/hellofood (2012) cũng bắt đầu tạo được tiếng tăm trên thị trường với chiến lược tiếp thị truyền thông và mở rộng thị trường mạnh mẽ.
Dự báo tiềm năng phát triển, thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến liên tục nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Chỉ trong năm 2014, hai tập đoàn Delivery Hero và Takeaway đã huy động được số vốn lên đến 100 triệu USD. Còn thương hiệu foodpanda/hellofood của tập đoàn Rocket Internet nhận được 60 triệu USD. Với thế mạnh về nguồn vốn đầu tư, thương hiệu của tập đoàn đến từ Đức này đang ra sức bành trướng đến các thị trường đang phát triển ở châu Á, châu Phi, và đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của iiMedia Research 2011-2015, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh và đều đặn mỗi năm trong lĩnh vực đặt thức ăn trực tuyến cả về giá trị doanh thu lẫn đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Giá trị giao dịch trong năm 2013 tại thị trường Trung Quốc tương đương 8 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2015. Tỷ lệ người thực hiện giao dịch đặt hàng trên ứng dụng điện thoại (28%) của quốc gia này cũng chênh lệch không nhiều so với tỷ lệ người sử dụng máy tính (31%).
Tại thị trường Việt Nam, mô hình đặt hàng thức ăn trực tuyến xuất hiện vào khoảng đầu năm 2011 với sự “phất cờ” của vietnammm, eat.vn và trở thành một làn sóng đầu tư sau đó một năm với những tên tuổi như VC Corp, Takeaway và Rocket Internet. Cùng lúc này, xu hướng địa phương hoá diễn ra trong ngành thương mại điện tử đang trở nên sâu sắc hơn khiến thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến cũng chuyển mình sang giai đoạn mới nhiều biến động và cạnh tranh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thực phẩm, thức ăn chiếm 20% trong khảo sát các loại hàng hóa phổ biến được mua bán qua các website thương mại điện tử. Điều này chứng tỏ, mô hình đặt hàng thức ăn trực tuyến sẽ là một thị trường đầy thách thức và tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Ông Tauriq Brown, Giám đốc điều hành foodpanda Việt Nam nhận định, những trở ngại khiến người dân còn e ngại khi sử dụng hình thức đặt hàng thức ăn trực tuyến như lo sợ về chất lượng thức ăn thực tế so với quảng cáo, giá cả thức ăn không thấp hơn so với mua trực tiếp, dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, khách hàng lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ và cách thức đặt hàng thức ăn trực tuyến rắc rối khiến người sử dụng khó tiếp cận...
Theo chuyên gia này, mô hình đặt hàng thức ăn trực tuyến phổ biến tại các nước phát triển phương Tây nhưng vẫn còn mới mẻ đối với người tiêu dùng trong nước. Do đó, để thay đổi thói quen và suy nghĩ của người tiêu dùng Việt Nam, doanh nghiệp cần đưa ra những giải pháp hoàn hảo cho những thách thức này.
Sự xuất hiện của các thương hiệu lớn được các chuyên gia trong ngành ví như một cuộc cạnh tranh máu lửa, mà ở đó các ông lớn đều trang bị những “vũ khí” đặc biệt cho riêng mình.
Vietnammm.vn và eat.vn là hai cái tên đã quen thuộc với cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhờ đi tiên phong trong giai đoạn sơ khai của thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến. Còn chonmon.vn của VC Corp ra đời sau đó tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là người Việt Nam, khai thác mảnh đất béo bở với những kinh nghiệm và sự hiểu biết sẵn có về thị trường trong nước. Riêng foodpanda dù đến sau, nhưng từ giữa năm 2012, nhận sự hậu thuẫn dồi dào về tài chính của tập đoàn mẹ đã nhanh chóng trở thành thương hiệu duy nhất tại Việt Nam triển khai dịch vụ tại 5 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng. Thương hiệu đặt hàng thức ăn trực tuyến này cũng nhanh chóng thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền với những đối tác nổi tiếng toàn cầu như KFC, Jollibee, Pizza Hut và mới nhất là Burger King.
Theo trang tin về khởi nghiệp ASEANStartup, tỷ suất lợi nhuận của những mô hình gọi món trực tuyến thành công ở những nước phát triển là từ 30-40% và con số này còn có thể cao hơn tại châu Á Thái Bình Dương.