WSJ: Kinh tế Mỹ và nhiều nước châu Âu chững lại, rủi ro suy thoái dâng cao
Tính toán của S&P Global cho thấy rằng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng thấp hơn 1% trong tháng 6 và sẽ bắt đầu suy giảm từ quý 3/2022.
Kinh tế Mỹ và các nước châu Âu chững lại đáng kể trong tháng 6/2022 khi mà giá cả các sản phẩm năng lượng và thực phẩm tăng cao khiến cho nhu cầu đối với hàng hóa dịch vụ giảm sút, theo kết quả các cuộc khảo sát doanh nghiệp. Thực tế này làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế trên khắp thế giới, theo nội dung bài báo mới được WSJ đăng tải.
Các số liệu mới nhất về sản xuất và dịch vụ cho thấy triển vọng kinh tế tại cả châu Âu và Mỹ đều u ám. Căng thẳng Nga – Ukraine đã gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát cao lây lan khắp thế giới.
Nhiều nền kinh tế hiện vẫn đang đương đầu với các vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, triển vọng lãi suất cao không khỏi gây tổn hại đến đầu tư kinh doanh. Châu Âu hiện đang đương đầu với áp lực lớn từ khả năng mùa đông năm nay sẽ vẫn tiếp tục thiếu năng lượng.
Vào ngày thứ Năm, chính phủ Đức chính thức khởi động giai đoạn 2 trong kế hoạch 3 bước nhằm đương đầu với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm khí đốt trong mùa đông năm nay, Đức như vậy tiến gần hơn đến việc sẵn sàng các kế hoạch dự phòng. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bối cảnh này sẽ không khỏi tạo ra cú sốc lớn tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo số liệu của S&P Global, các chỉ số quản trị sức mua hàng tại Mỹ, chỉ số đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ, giảm xuống còn 51,2 điểm trong tháng 6/2022 từ mức 53,6 điểm của tháng trước đó, đây cũng là ngưỡng thấp nhất trong 5 tháng.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, chỉ số này giảm xuống còn 51,9 điểm của tháng 6/2022 từ mức 54,8 điểm của tháng 5/2022 – thấp nhất trong 16 tháng. Ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy sự chững lại của nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới khi mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đương đầu với áp lực giá cả leo thang và lãi suất tăng cao. Doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 5/2022 ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm nay, doanh số bán nhà đang sử dụng trong khi đó đã giảm 4 tháng liên tiếp, lãi suất cho vay thế chấp thời hạn 30 năm tăng lên mức 5,81% trong tuần kết thúc vào ngày thứ Năm tuần này và chạm ngưỡng cao nhất tính từ năm 2008, theo tính toán của Freddie Mac. Thị trường lao động vẫn thiếu lao động dù có dấu hiệu tăng trưởng chững lại.
Lạm phát ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ không khỏi khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính đến việc nâng lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ vào ngày thứ Năm rằng NHTW sẽ ngại ngần chuyển từ nâng lãi suất sang hạ lãi suất cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về việc lạm phát đang giảm tốc.
Tính toán của S&P Global cho thấy rằng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng thấp hơn 1% trong tháng 6 và sẽ bắt đầu suy giảm từ quý 3/2022. Tại châu Âu, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 2/2022 sẽ chỉ còn 0,2%, giảm đáng kể so với mốc 0,6% của quý 1/2022.
Sản lượng ngành sản xuất tại Mỹ và châu Âu mới đây đã giảm lần đầu tiên trong 2 năm, ngành dịch vụ trong những tháng gần đây tuy nhiên có những khởi sắc bởi chính sách hạn chế đi lại thời kỳ COVID-19 được gỡ bỏ.
Tại châu Âu, kinh tế tháng 6/2022 chững lại mạnh nhất tính từ tháng 11/2008, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu căng thẳng nhất.