Xác định giá trị hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo nguyên tắc nào?
Đây là nội dung được không ít doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hành hóa quan tâm. Một số doanh nghiệp lúng túng khi chưa nắm bắt kịp thời về quy định hướng dẫn mới về về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngày 30/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 60/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, kể từ ngày 15/10/2019, việc xác định giá trị hải quan hàng hóa xuất, nhập khẩu được thực hiện theo các nguyên tắc và phương pháp quy định tại Thông tư số 60/2019/TT-BTC với các nội dung sau:
Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hàng hóa xuất khẩu, chuyển toàn bộ quy định về nguyên tắc và phương pháp hàng xuất khẩu hiện đang quy định tại khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC về Thông tư 60/2019/TT-BTC.
Thông tư quy định chi tiết phương pháp xác định trị giá theo giá bán hàng hóa đến cửa khẩu xuất theo từng điều kiện giao hàng xuất khẩu khác nhau gồm giao hàng tại cửa khẩu xuất, giao hàng trong nội địa Việt Nam và giao hàng tại địa điểm giao hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, Thông tư mới cũng bổ sung nội dung mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự tại phương pháp giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại như quy định đối với hàng nhập khẩu để đảm bảo tính thống nhất. Bên cạnh việc bổ sung một số quy định trên, có 05 nội dung sửa đổi quan trọng là:
Một là, quy định về xác định trị giá hải quan của máy móc, thiết bị có chứa phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu: Sửa đổi quy định chi tiết các tình huống trị giá của phần mềm điều khiển, vận hành phải cộng hoặc không phải cộng vào trị giá giao dịch của máy móc, thiết bị; Thủ tục khai báo cho người khai hải quan và trình tự kiểm tra, xử lý của cơ quan hải quan để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, quy địnhh mới cũng nêu rõ phần mềm ứng dụng không phải cộng vào trị giá của phương tiện trung gian.
Hai là, quy định về chứng minh mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến giá cả mua bán trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu: Sửa đổi quy định các chứng từ, tài liệu yêu cầu doanh nghiệp xuất trình; Trường hợp cơ quan hải quan bác bỏ hoặc chấp nhận; Trường hợp phải tổ chức đối thoại nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện cho người khai hải quan và công chức hải quan dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Ba là, quy định về phí bản quyền, phí giấy phép: Thông tư mới đã sửa đổi điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” và “như một điều kiện mua bán” để phù hợp với các khuyến nghị của WCO. Mặt khác, bổ sung thêm quy định về việc xử lý của cơ quan hải quan đối với trường hợp người khai hải quan khai báo đúng về phí bản quyền để phù hợp với thực tế và đảm bảo đầy đủ các trường hợp; Mô tả chi tiết các giao dịch tại các tình huống về phí bản quyền tại Phụ lục I Thông tư số 39/2015/TT-BTC nhằm đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng.
Bốn là, quy định về phương pháp suy luận: Việc vận dụng linh hoạt từng phương pháp đúng theo nguyên tắc trình tự để xác định trị giá hải quan; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng nhập khẩu là một phương pháp được vận dụng và phải được vận dụng đầu tiên; Trường hợp không được sử dụng giá tham chiếu trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá để xác định trị giá hải quan cho hàng hóa, thống nhất với nguyên tắc sử dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá.
Năm là, quy định về xác định trị giá đối với một số trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đặc thù: Việc xác định trị giá hải quan cho các trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được xác định miễn thuế do thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, nay thay đổi mục đích sử dụng nên phải khai, tính toán và nộp thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh nhưng không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại; Hàng hóa đi thuê, mượn nhằm tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.