Xác định lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng

Bảo Thương

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc xác định lộ trình phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cân nhắc không quy định lộ trình tăng thuế trong Luật mà giao Chính phủ nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế này, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, về ý kiến đề nghị triển khai định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10% theo lộ trình, Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đều đưa ra phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình.

Theo ông Lê Quang Mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật lộ trình tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ mức 10% lên 11% vào ngày 1/1/2028 và lên mức 12% vào ngày 1/1/2030 (dự báo tác động tăng thu khoảng 40.100 tỷ đồng vào năm 2028 và 43.400 tỷ đồng vào năm 2030). Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định lộ trình tăng thuế mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo của Chiến lược cải cách thuế.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần bám sát định hướng tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030.

“Việc xác định lộ trình phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cân nhắc không quy định lộ trình tăng thuế trong Luật mà giao Chính phủ nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo tại phiên họp.
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo tại phiên họp.

Liên quan đến đề nghị điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, mà Luật hiện hành đang quy định là 100 triệu đồng/năm, ông Lê Quang Mạnh cho hay, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 (hoặc 300) triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Đồng thời, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Đối với dịch vụ xuất khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong Thường trực Ủy ban có 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp chế xuất (DNCX) không nên coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, nhất trí với dự thảo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ cung ứng cho DNCX thì cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và đặc biệt là chi phí về dòng tiền nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh cho các doanh nghiệp, nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng.

Theo ông Lê Quang Mạnh, nếu chưa lường hết các tác động của chính sách, dự thảo Luật nên giữ như quy định hiện hành, cùng với đó, bổ sung nội dung quy định các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, DNCX phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách thống nhất phương án chỉnh lý theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, ngoại trừ một số nội dung sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ trong áp dụng Luật, bảo đảm đúng nguyên tắc và chuẩn mực của thuế Giá trị gia tăng.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành quy định ngưỡng doanh thu trong Luật và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp đánh giá tác động, lựa chọn phương án phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước, không để thất thoát.