Cụ thể hóa chủ trương phân cấp, phân quyền trong phòng cháy, chữa cháy
Tiếp tục Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung của dự thảo Luật; rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành. Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC và CHCN); bổ sung nội dung quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung liên quan tại dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh với các nội dung quy định của dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng PCCC và CNCH của cộng đồng.
Có ý kiến đề nghị quy định phạm vi cứu nạn, cứu hộ tại Luật này chỉ trong hoạt động chữa cháy; đề nghị, làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của quân đội tại dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị rà soát để bổ sung đầy đủ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Thường trực Ủy ban cho rằng, đối với hoạt động cũng như phạm vi cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai...; nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ do Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống trong cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng PCCC và CNCH thực hiện. Do đó, việc dự thảo Luật này không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội là phù hợp.
Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ
Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động tới đời sống kinh tế - xã hội, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp... Do đó, cần phải được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát một cách chặt chẽ, khẩn trương để khắc phục cho được những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh vừa qua các vụ cháy lớn xảy ra đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, để dự thảo Luật đạt chất lượng và hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quán triệt nghiêm túc, luật hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Luật đã có nhiều quy định thể hiện theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo Kết luận số 02. Tuy nhiên, tại Kết luận số 02 cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là việc tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; rà soát để thể hiện rõ hơn việc giao Chính phủ quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, giải trình, thuyết phục trên tinh thần không bỏ sót bất cứ một ý kiến nào. Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để bao quát đầy đủ, tương thích và thống nhất với các nội dung được điều chỉnh trong các dự thảo Luật khác; nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng đã thể chế hóa vào dự thảo Luật.