Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global Debt Clock) trên trang Economist.com tính đến thời điểm 15h00 ngày 22/7, nợ công của Việt Nam ở mức hơn 74,692 tỷ USD, chiếm 48,9% GDP, tăng 12,2% so với năm 2012; bình quân nợ công theo đầu người là 830,59 USD/người. So với các mốc công bố số liệu gần đây trong năm 2012 và nửa năm đầu 2013, tỷ lệ nợ công so với GDP đang có xu hướng giảm dần và vẫn ở trong ngưỡng an toàn (trần nợ công trong giai đoạn 2011-2020 là 65% GDP). Bên cạnh đó, cách tính nợ công của Việt Nam có một số khác biệt bắt nguồn từ quan điểm khác nhau của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về khu vực công.

Từ khái niệm…

Ở Việt Nam, khu vực công bao gồm Chính phủ và khối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, Chính phủ bao gồm: các đơn vị của Chính phủ ở các cấp trung ương hoặc địa phương; tất cả các quỹ bảo hiểm xã hội hoạt động ở các cấp và tất cả các tổ chức phi lợi nhuận, phi thị trường chịu sự kiểm soát và nhận tài trợ của Chính phủ.

Theo các tổ chức quốc tế, ngoài thành phần chủ chốt của khu vực công là Chính phủ và chính quyền địa phương, khu vực này còn bao gồm các công ty công (theo IMF) hoặc các tổ chức tự chủ (theo WB) và cả cơ quan quản lý tiền tệ trung ương. Như vậy, khu vực công của các tổ chức quốc tế (IMF, WB) có sự có mặt của Cơ quan quản lý tiền tệ (Ngân hàng Trung ương - NHTW) trong khi ở Việt Nam không được tính đến trong khu vực công.

Ngoài ra, còn có sự khác nhau về tên gọi cũng như nội hàm của các công ty công hay tổ chức tự chủ mà ở Việt Nam là các DNNN. Cụ thể, theo World Bank, các tổ chức tự chủ bao gồm các DN tài chính và phi tài chính, ngân hàng thương mại và phát triển, công ty công ích… thỏa mãn một trong các điều kiện: (i) ngân sách của các tổ chức này phải được chính phủ phê duyệt; (ii) Chính phủ/Nhà nước sở hữu trên 50% hoặc có đại diện chiếm hơn 50% thành viên ban giám đốc; hoặc (iii) trong trường hợp các tổ chức này mất khả năng thanh toán, nhà nước phải chịu trách nhiệm về nợ của các tổ chức này. Như vậy, nếu Chính phủ có bất kỳ nghĩa vụ ngầm định nào đối với một khoản nợ thì theo tổ chức quốc tế này, khoản nợ đó có thể được xếp vào nợ công.

… đến phương thức xác định

Xuất phát từ sự khác biệt trong khái niệm khu vực công nêu trên mà cách xác định nợ công của Việt Nam và các tổ chức trên thế giới cũng khác nhau. Điều này góp phần giải thích cho những con số nợ công được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế và Việt Nam rất khác nhau.

Thực tiễn các nước cho thấy, ngoài nợ chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh (hầu hết các quốc gia đều cho vào nợ công) một số nước xác định nợ công còn gồm nợ chính quyền địa phương (Đài Loan, Bungari, Rumani, Macedonia), nợ của DNNN phi tài chính (Thái Lan, Macedonia). Tuy nhiên, cần lưu ý ít nước có khu vực DNNN lớn như Việt Nam (các nước trước đây có nhiều DNNN là các nước Đông Âu và Liên Xô cũ nhưng cho đến gần đây khu vực này đã được thu hẹp đáng kể thông qua cổ phần hóa).

Một số nước loại bỏ nợ của NHTW, trừ trường hợp khoản nợ đó được Chính phủ bảo lãnh (Bungari, Macedonia). Một số nước lại bỏ nợ của ngân hàng thương mại nhà nước hoặc định chế tài chính nhà nước như trường hợp của Thái Lan và Macedonia. Hầu như không có nước nào quản lý nợ của các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc hệ thống tổ chức nhà nước trong nợ công.

Thực tiễn các nước cho thấy, ngoài nợ chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh (hầu hết các quốc gia đều cho vào nợ công) một số nước xác định nợ công còn gồm nợ chính quyền địa phương, nợ của DNNN phi tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý ít nước có khu vực DNNN lớn như Việt Nam

Thoạt nhìn có thể hình dung với cách xác định này thì khoản mục nợ của các DN và tổ chức để tính vào nợ công ở Việt Nam là rộng hơn quốc tế, song trên thực tế điều kiện để một DN hay tổ chức có được sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam là vô cùng khó khăn và rất ít các doanh nghiệp hay tổ chức tại Việt Nam có được sự bảo lãnh này (thường là một số ít các DN, tổng công ty nhà nước). Hơn nữa, với cách xác định này, khoản mục DNNN tự vay và tự trả sẽ không được tính vào nợ công. Điều này là bất hợp lý bởi DNNN là DN do Nhà nước đóng góp toàn bộ số vốn điều lệ hoặc nắm cổ phần, vốn góp chi phối.

Do vậy, khoản mà các DN tự đi vay cũng thể hiện phần nào đó Nhà nước đi vay (một phần hoặc toàn bộ) và trách nhiệm trả nợ cuối cùng vẫn thuộc về Nhà nước (một phần hoặc toàn bộ). Đặc biệt, tại Việt Nam khu vực quốc doanh rất lớn, mặc dù có quy chế chuyển đổi các DNNN sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng về mặt chính trị nếu xuất hiện các khoản nợ thì Nhà nước cũng không thể thoái thác trách nhiệm.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế có tính đến nợ lương hưu trong khoản nợ Chính phủ (UNCTAD) còn Việt Nam thì dường như quên mất. Theo nguyên tắc tính nợ của một số tổ chức quốc tế, khi một công chức nhận lương họ phải đóng vào quỹ về hưu, còn một phần khác, có thể bằng hoặc gấp đôi Chính phủ phải đóng vào quỹ này. Phần Nhà nước đóng góp phải tính vào chi tiêu. Dựa vào hợp đồng đã ký về hưu trí, nếu đóng góp không đủ để chi trả trong tương lai thì phải tính vào nợ. Khoản mục này trên thực tế là không nhỏ, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Nhật và các nước trong khối EU đã tính nợ theo đúng tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc nên đều có tỷ lệ nợ/GDP cao hơn 50% nhiều. Tỷ lệ trên 100% đối với các nước này là bắt đầu vượt ngưỡng an toàn. Còn đối với các nước đang phát triển khi không tính nợ lương hưu thì có lẽ 50% là ngưỡng phù hợp.

Tại Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (trực thuộc Chính phủ) là cơ quan chuyên trách về chế độ lương hưu, hàng năm bảo hiểm xã hội thu phí bao gồm một phần trích từ lương người lao động và một phần từ ngân sách nhà nước hỗ trợ và thực hiện chế độ hưu bổng cho cán bộ nghỉ hưu. Quá trình hạch toán chỉ rõ Việt Nam chưa hề đề cập tới khoản nợ lương hưu. Trong khi hệ thống hưu trí ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Với điều kiện dân số đang ngày càng già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động có xu hướng giảm thì sự tồn tại của hệ thống hưu trí sẽ bị đe dọa trong tương lai không xa. Hệ thống hưu trí ở các nước trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) chủ yếu là hệ thống PAYG với mức hưởng được xác định trước.

Tại Việt Nam, khoản nợ này lại không được phản ánh trong tài khoản tài chính quốc gia và nó trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với các chính sách tài chính vì Chính phủ phải chuẩn bị một dòng tiền khổng lồ để thanh toán khoản nợ này trong tương lai. Bên cạnh đó, cơ cấu nợ hiện nay của Việt Nam cũng là vấn đề đáng lo ngại. Việc tỷ trọng nợ nước ngoài quá cao như hiện nay (chiếm 75,59% tổng số nợ công quốc gia năm 2012) cũng mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tỷ trọng nợ nước ngoài quá lớn làm gia tăng khả năng tổn thương của nền kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế thế giới có biến động. Phần lớn nợ nước ngoài có mức lãi suất thấp, tuy nhiên, bên trong các món vay này ẩn chứa nhiều rủi ro về biến động tỷ giá. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài theo nội tệ tăng lên cao.

Khuyến nghị

Có thể thấy, cách tính nợ công của Việt Nam đã bỏ qua hai nhân tố, đó là nợ lương hưu và nợ DNNN tự vay, tự trả. Vì vậy, việc xác định rõ ràng, cơ cấu lại và đưa các khoản mục cần thiết vào phương pháp tính nợ công của Việt Nam là cấp thiết nhằm duy trì ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào DNNN và tăng vốn đầu tư cũng là một vấn đề cần xem xét, đặc biệt là trong bối cảnh các DN này đang làm ăn kém hiệu quả trong một thời gian dài.

Xác định nợ công: Những điểm khác biệt

ThS. Đặng Hoàng Nam

(Tài chính) Nợ công đang là đề tài “nóng” trên thế giới. Các quốc gia đều phải đi vay để phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp thâm hụt ngân sách và các mục tiêu khác, tuy nhiên, những tác hại kinh tế khó lường của việc vay nợ quá nhiều sẽ làm mất cân bằng các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp. Do vậy, để có thể quản lý nợ công một cách có hiệu quả và đạt được sự bền vững, cần phải có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và đảm bảo.

Xem thêm

Video nổi bật