Xây dựng và đầu tư phát triển năm 2014
Xây dựng
Hoạt động xây dựng năm 2014 đã có những khởi sắc. Ngay từ cuối năm 2013 và các tháng đầu năm 2014, nhiều dự án phát triển giao thông được khởi công xây dựng và được các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng, nhất là những dự án phát triển đường cao tốc với phương thức đầu tư xã hội hóa. Bên cạnh đó, các dự án phát triển hạ tầng xã hội sử dụng vốn Nhà nước, vốn ODA cũng được các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thi công. Điều này được thể hiện qua hàng loạt dự án của Trung ương cũng như địa phương hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng trong thời gian tới như: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; cầu Nhật Tân và đường nối đến sân bay Nội Bài; cầu Đông Trù và đường 5 kéo dài; nhà ga T2 Nội Bài; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hàng loạt dự án được bổ sung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ.
Trong năm qua, nhu cầu xây dựng các công trình có vốn từ ngân sách Nhà nước, các công trình phục vụ cho xây dựng xã nông thôn mới tăng cao hơn năm trước; các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, nhu cầu xây dựng nhà và các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh ở khu vực dân cư có xu hướng tăng; giá cả vật tư xây dựng tương đối ổn định… Ngoài ra, thị trường bất động sản đang ấm dần với nhiều dự án phát triển nhà ở được hoàn thành và bàn giao trong năm 2014, thị trường vật liệu xây dựng trong năm không có biến động lớn đã góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng.
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 849 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 84,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9%; khu vực ngoài Nhà nước 709,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 54,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 354,8 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 136,7 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 257,3 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 100,2 nghìn tỷ đồng.
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2014 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 676,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2013, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 69,2 nghìn tỷ đồng, giảm 10,9%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 563,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, tăng 58%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở tăng 4,3%; công trình nhà không để ở tăng 4,1%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 14,3%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 80,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2%.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng hoạt động xây dựng trong năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường bất động sản tuy đã có dấu hiệu tích cực song sự phục hồi chậm. Tình trạng nợ đọng khối lượng từ những năm trước của các doanh nghiệp xây dựng chưa có hướng giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất cho vay gần đây đã được điều chỉnh giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn nên sản xuất kinh doanh chưa thực sự phát triển mạnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đầu tư phát triển
Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, đổi mới và quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Vốn được huy động tập trung cho các công trình quan trọng và cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phụ tình trạng đầu tư dàn trải. Năm nay là năm thứ 3 thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có triển khai tái cơ cấu đầu tư đi đôi với việc tiếp tục giảm dần đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển được huy động và sử dụng ngày càng tốt. Các chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục phát huy tác dụng, tập trung vào việc duy trì lãi suất thấp đã tạo điều kiện thúc đẩy thu hút và giải ngân vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện tốt việc tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt để đảm bảo tiến độ thực hiện của các dự án công trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khối lượng thực hiện hoàn thành. Ngoài ra, các địa phương trên cả nước đẩy mạnh huy động các nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư, đồng thời tập trung chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Nhiều công trình hiện đại, quan trọng về giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hệ thống thông tin được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tất cả các yếu tố trên đã góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 1220,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 486,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,9% tổng vốn và tăng 10,1% so với năm trước; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 468,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,4% và tăng 13,6%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 265,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,7% và tăng 10,5%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2014 ước tính đạt 207,7 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm và tăng 0,3% so với năm 2013, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 41851 tỷ đồng, bằng 105,9% kế hoạch năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 5609 tỷ đồng, bằng 123,8% và giảm 11,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3507 tỷ đồng, bằng 101% và giảm 8,4%; Bộ Xây dựng 2076 tỷ đồng, bằng 101,9% và tăng 4,5%; Bộ Y tế 930 tỷ đồng, bằng 115,5% và tăng 7,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 740 tỷ đồng, bằng 100,2% và tăng 8,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 630 tỷ đồng, bằng 100,8% và giảm 7,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 481 tỷ đồng, bằng 106,3% và giảm 3,2%; Bộ Công Thương 317 tỷ đồng, bằng 107,2% và giảm 6,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ 285 tỷ đồng, bằng 101,6% và tăng 16,3%; Bộ Thông tin và Truyền thông 249 tỷ đồng, bằng 119,9% và giảm 6%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 165852 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và tăng 0,2% so với năm 2013. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 114905 tỷ đồng, bằng 97,2% và giảm 0,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 40861 tỷ đồng, bằng 108,6% và tăng 2,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10085 tỷ đồng, bằng 120,5% và giảm 2,1%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 23931 tỷ đồng, bằng 102,1% kế hoạch năm và giảm 8,1% so với năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 18160 tỷ đồng, bằng 91,4% và tăng 4,6%; Đà Nẵng 4989 tỷ đồng, bằng 97,8% và giảm 7%; Bình Dương 4439 tỷ đồng, bằng 99,4% và tăng 14,2%; Nghệ An 4245 tỷ đồng, bằng 92% và tăng 7,5%; Quảng Ninh 4087 tỷ đồng, bằng 98,3% và tăng 9%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3921 tỷ đồng, bằng 87,2% và tăng 5,4%.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay có dấu hiệu khả quan so với năm 2013, cơ cấu vốn diễn ra theo xu hướng tích cực. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, thiết bị điện tử vẫn là các lĩnh vực hấp dẫn. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực xây dựng.
Từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2014, đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 1588 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15642,6 triệu USD, tăng 24,5% về số dự án và tăng 9,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 594 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 4588,3 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 20230,9 triệu USD, tuy giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng cao hơn 19% so với kế hoạch. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước và cao hơn 2,9% so với kế hoạch năm 2014.
Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 14492,8 triệu USD, chiếm 71,6% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 2545 triệu USD, chiếm 12,6%; ngành xây dựng đạt 1057,4 triệu USD, chiếm 5,2%; các ngành còn lại đạt 2135,7 triệu USD, chiếm 10,6%.
Cả nước có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm, trong đó Thái Nguyên dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 3250,6 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 2863,7 triệu USD, chiếm 18,3%; Bắc Ninh 1426,5 triệu USD, chiếm 9,1%; Khánh Hòa 1258,6 triệu USD, chiếm 8%; Hải Phòng 809,3 triệu USD, chiếm 5,2%; Bình Dương 697 triệu USD, chiếm 4,5%; Đồng Nai 638 triệu USD, chiếm 4,1%...
Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2014, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 6128 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) với 2803,4 triệu USD, chiếm 17,9%; Xin-ga-po 2310,1 triệu USD, chiếm 14,8%; Nhật Bản 1209,8 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan 512,4 triệu USD, chiếm 3,3%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 398,5 triệu USD, chiếm 2,5%; Bỉ 277,2 triệu USD, chiếm 1,8%...