Xe hơi chuyển động, thiết bị di động cũng theo xe
Trong những năm gần đây, hình ảnh một người lái xe đeo tai nghe có dây hoặc không dây để thuận tiện trả lời điện thoại đã ngày càng ít. Có nhiều lý do dẫn đến việc này, trong đó có lý do là kết nối trên xe hơi đã làm tốt nhiệm vụ thông thường của một chiếc điện thoại di động: Nghe, gọi và đọc tin nhắn.
Đàm thoại là chuyện nhỏ
Ở rất nhiều dòng xe hơi hiện nay, kể cả các dòng xe phổ thông, việc kết nối với điện thoại và các thiết bị giải trí là chuyện gần như cơ bản. Màn hình tích hợp trên xe lúc này là một màn hình đa chức năng, không chỉ đáp ứng chuyện giải trí của người ngồi trong xe mà nó còn là chiếc điện thoại động, thiết bị tìm kiếm và kể cả lướt web.
Tất nhiên, để đảm bảo an toàn khi lưu thông cũng như tiêu chuẩn an toàn tại nhiều thị trường, nhiều hãng xe đã cắt tính năng xem video trên màn hình ở khoang lái. Trên thực tế, một số dòng xe không cắt tính năng này hoặc người sử dụng lại thay bằng màn hình khác hoặc “hack” màn hình theo xe để có thể xem video.
Với các xe hơi hạng sang hoặc siêu sang, màn hình giải trí, kết nối trên xe thì khỏi phải nói, da dạng và ngập công nghệ. Đáng nói là hiện các dòng xe phổ thông, việc biến màn hình thành một chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) cũng không phải là hiếm.
Nếu như Ford có hệ thống SYNC (nay đã lên phiên bản 3.0) thì Chevrolet cũng tạo danh tiếng với hệ thống Mylink. Ở đó, công dụng của việc kết nối ba bên gồm người lái, chiếc xe và màn hình cố gắng để tổng hòa thành một.
Mylink của Chevrolet, ngoài chuyện cơ bản là thay chức năng chính của một chiếc điện thoại (các động tác đàm thoại thông thường) thì nó còn là nơi kết nối smartphone với chiếc xe, như một chiếc điện thoại chạy phần mềm iOS, Android hay Window Phone.
Cụ thể, với MyLink, người lái xe có thể dễ dàng xem các file ảnh với nhiều định dạng như Jpg, Png, Bmp… và video với nhiều định dạng như Avi, Mpg, Wmv… Màn hình này có thể kết nối không dây bluetooth tích hợp kết nối các cổng đa phương tiện như USB, AUX, hệ thống đàm thoại rảnh tay, hỗ trợ các ứng dụng radio online (Stitcher, TuneIn), xem video và hình ảnh, nghe nhạc trực tiếp từ smartphone…
Nghe lệnh bằng giọng nói, cảnh báo lái xe…
SYNC của Ford giúp người lái (và cả người ngồi kế bên) có thể “ra lệnh” cho chiếc xe. Họ có thể nghe, gọi, xem tin nhắn thông qua màn hình, các nút điều khiển trên tay lái và cả giọng nói. Xe “nghe” được và làm theo các hướng dẫn này. Chưa phải là quá cao siêu nhưng hiện SYNC đã giải quyết được chuyện đàm thoại qua di động, bật/tắt/tìm kiếm nhạc, dò đường…
Trên nhiều dòng xe của Nissan hiện nay, tính năng camera 360 độ là một tính năng an toàn thú vị. Tính năng này trong những năm qua vốn được dùng trên một số dòng xe tiền tỷ, như Lexus, Infiniti.
Theo đó, khi sử dụng tính năng này, hình ảnh ghi lại từ các camera quanh xe (đầu, đuôi và hai bên hông) sẽ tích hợp lại, phân tích bằng hệ thống điện tử và hiển thị hình ảnh chiếc xe trên màn hình.
Người viết bài này đã từng trải nghiệm lái thử trong một chiếc xe bị dán bít bùng, che hết các kính, kể cả kính chiếu hậu. Khi đó, việc cho xe tiến, lùi, vào cua… đều dựa vào hình ảnh hiển thị trên màn hình. Lúc này, hình ảnh chiếc xe giống như khi ta nhìn từ trên xuống, bao quát xung quanh rõ ràng và cứ thế… vù ga, đạp thắng, vào cua. Tất nhiên, đó là một chiếc xe thông thường và tính năng camera 360 kia cũng có mục đích là giúp người lái xử lý khi vào các nơi nhỏ hẹp hay khuất tầm nhìn, nó không phải là thứ để thay cho cặp mắt con người.
Công nghệ phát triển nhanh khiến nhiều hãng xe tích hợp các ứng dụng, chức năng vào xe hơi. Hiện nhiều hãng xe đã và đang thử nghiệm xe không người lái và màn hình trên xe lúc này không còn là một màn hình hiển thị thông thường, đó là nơi hiển thị tất cả các thông số mà các thết bị hỗ trợ “thấy” được, nó như những gì phản chiếu mà con người thấy được qua đôi mắt.
Có thể kể đến nhiều tính năng khác mà một màn hình trên xe trở thành nơi hiển thị, nơi để điều khiển và kết nối trung gian như cảnh báo làn đường, hỗ trợ đậu xe tự động, cảnh báo buồn ngủ… Tất cả đều nhằm mục đích tiện dụng nhất cho người lái để họ an tâm hướng mắt tập trung vào phía trước khi vận hành xe, thay vì phải dán mắt vào màn hình điện thoại di động.
Còn bao nhiêu năm nữa xe không người lái trở nên phổ biến thì chưa ai dám chắc dù điều đó đang rất gần. Và vì vậy, cho dù chiếc xe thông minh đến mấy, màn hình trên xe tích hợp nhiều chức năng đến mấy thì hiện tại, người lái xe vẫn đang phải làm chủ chiếc xe mình đang lái.
Đây cũng là lý do trên một số dòng xe, khi tốc độ xe lớn hơn 10km/h, màn hình sẽ khóa (lock) tính năng xem video, cốt để người lái không bị phân tâm bởi “phía trước đầu xe và cả bên trong xe là tính mạng của con người”. Đó mới là một chiếc xe thông minh.