Xếp hạng tín dụng: Từ kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Pháp
(Tài chính) Trong những năm vừa qua, kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm lại, cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu vẫn chưa chấm dứt, tình trạng suy thoái diễn ra ở nhiều nền kinh tế châu Á là những chủ đề đang được bàn luận rộng rãi trên thị trường. Việt Nam là một nước có nền kinh tế mở, đang chịu tác động mạnh mẽ của diễn biến trên thị trường quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại so với giai đoạn trước. Nợ xấu ngân hàng tăng cao, sức khỏe của DN suy yếu, trong khi hàng tồn kho ngày càng tăng, khiến số DN phá sản tăng. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như tái cấu trúc hoạt động của các DN Việt Nam đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Để nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, cũng như hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ngăn chặn kịp thời các loại rủi ro, ngay từ năm 2006, sau 4 năm thực hiện thí điểm, Thống đốc NHNN Việt Nam đã chính thức phê duyệt nghiệp vụ Xếp hạng tín dụng (XHTD). Kết quả của hoạt động này là đáng ghi nhận.
Hàng năm Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp với hơn 20.000 bản XHTD phục vụ NHNN, các TCTD, qua đó đã góp phần không nhỏ đối với hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, CIC thường xuyên tham khảo kinh nghiệm XHTD từ NHTW Pháp và tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ này cho NHNN và các TCTD. Sau đây là một số kinh nghiệm rút ra từ hoạt động XHTD của NHTW Pháp.
Công nghệ rút ngắn thời gian xử lý thông tin
Dữ liệu đầu vào là nền tảng của hoạt động thông tin tín dụng, đặc biệt đối với hoạt động XHTD. Nguồn thông tin đầu vào được sử dụng không chỉ dừng lại ở các thông tin tài chính, thông tin dư nợ mà còn kết hợp với hàng loạt thông tin tài chính và phi tài chính khác như: chậm thanh toán, thông tin từ tòa án, thông tin về bộ máy tổ chức, nhân sự…
Hiện đại hóa quá trình thu thập thông tin thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thu thập hỗ trợ tạo lập được một cơ sở dữ liệu đầu vào theo định dạng chuẩn sẽ giúp các cơ quan thông tin tín dụng thu được các lợi ích như: Tiết kiệm và rút ngắn thời gian thu thập, sử dụng máy móc, công nghệ thay vì phương pháp thu thập thủ công, nhập dữ liệu bằng tay, tính cập nhật của thông tin được nâng cao; Tiết kiệm chi phí thu thập, thay vì cần một bộ máy nhân sự cồng kềnh để nhập dữ liệu, cơ quan thông tin tín dụng chỉ cần đầu tư chi phí ban đầu cho công tác lập trình, thiết lập hệ thống, đầu tư công nghệ, máy móc…;
Tăng mức độ chính xác, tin cậy của thông tin được thu thập, dễ dàng áp dụng các công cụ, phương pháp kiểm tra, giám sát mức độ chính xác của thông tin thu thập được để có phương án chỉnh sửa, cập nhật nhanh nhất; Cải thiện chất lượng dữ liệu và rút ngắn thời gian cung cấp dữ liệu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế nói chung.
Thực tế, quá trình hiện đại hóa hệ thống thu thập thông tin tại NHTW Pháp từ năm 2000 đến nay đã chứng minh các lợi ích nêu trên. Minh họa cụ thể về rút ngắn thời gian thu thập dữ liệu từ 14, thậm chí 34 ngày xử lý dữ liệu cho từng phát sinh của giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước xuống còn từ 1-5 ngày hiện nay, tức rút ngắn hàng chục lần so với trước (xem bảng).
Cách làm của NHTW Pháp
NHTW Pháp xây dựng một hệ thống thông tin từ những năm 80 của thế kỷ trước, được xem như là ngân hàng dữ liệu DN, gọi tắt là FIBEN, với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ việc thực thi các chính sách tiền tệ của NHTW Pháp. Cùng với sự phát triển, nâng cấp qua thời gian, đến nay không chỉ dừng lại là cơ sở dữ liệu được sử dụng trong nội bộ NHTW Pháp, FIBEN còn là nguồn dữ liệu tham khảo cho các TCTD và các cơ quan tài chính công.
FIBEN thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như Cơ quan Dữ liệu thống kê quốc gia Pháp (INSEE), tòa án thương mại, các TCTD và các DN. Các thông tin được thu thập bao gồm dữ liệu kế toán, dư nợ tín dụng, thông tin chậm toán, thông tin pháp lý, thông tin lãnh đạo DN, quan hệ kinh tế, tài chính… với các đối tác khác, thông tin về các phán quyết của tòa án, biến cố ảnh hưởng đến sự phát triển của DN…
Với bộ chỉ tiêu thông tin đầu vào cần thu thập lớn, số lượng hồ sơ DN trong cơ sở dữ liệu đã thu thập được và cần được cập nhật lớn, đòi hỏi quá trình thu thập và cập nhật thông tin cho FIBEN phải được tự động hóa để đạt được tối đa các mục đích đề ra.
Và FIBEN hiện nay đang được quản lý bởi NHTW Pháp, là kết quả của một quá trình hiện đại hóa lâu dài, áp dụng tối đa các tiến bộ của công nghệ thông tin, đồng thời hoàn thiện về cơ chế bảo mật, khả năng cấp cấp dữ liệu, khả năng vận hành và kiểm soát dữ liệu hướng tới nâng cao chất lượng dữ liệu phục vụ hoạt động của NHTW Pháp và toàn bộ hệ thống ngân hàng.