Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia

Anh Thư

Giảm sử dụng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19, tính tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả… là những lý do khiến nhiều nước đang thúc đẩy việc phát hành tiền kỹ thuật số.

Trung Quốc đã tiến hành các dự án thử nghiệm tiền kỹ thuật số
Trung Quốc đã tiến hành các dự án thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Bất chấp những câu hỏi về mức độ bảo mật an toàn thông tin khách hàng, khả năng bị hacker, hay cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi nhưng giới chuyên gia nhận định, ngân hàng Trung ương các nước sẽ sớm tung ra các đồng tiền kỹ thuật số của mình.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng trung ương được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Chúng có thể là nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Trong khi đó, gần 15% còn lại đang chuyển sang nghiên cứu thực tế cho các đồng tiền thử nghiệm.

Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng tập trung vào CBDC bắt nguồn từ việc người tiêu dùng đang ngày càng xa rời tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19.

Tuy nhiên, xu hướng giảm sử dụng tiền mặt có thể không phải là lý do duy nhất. Tính tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả… là những yếu tố tiện ích được tính đến.

Hơn thế, phần lớn nghiên cứu về CBDC đã được đẩy nhanh sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bắt đầu dự án phát triển đồng tiền kỹ thuật số có tên là Libra (nay được gọi là Diem). Các ngân hàng trung ương nhận định diễn biến này có thể mang lại nhiều tác động tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính của quốc gia. Do vậy, nếu không thể cấm hoàn toàn, họ quyết định sẽ có những dự án tương tự Libra để giảm thiểu rủi ro.

Hầu hết Nhóm 20 quốc gia (G20) đang khám phá, phát triển hoặc thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số, trong khi các quốc gia không thuộc G20 như Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ và Campuchia cũng cho biết họ đang xem xét các loại tiền kỹ thuật số.

Chính quyền Thụy Điển cho biết, đang nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số E-Krona sau các cuộc thử nghiệm quy mô lớn, dự kiến kết thúc vào tháng 11/2022.

Trung Quốc, thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới, là một trong những quốc gia coi tiền kỹ thuật số là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng Mỹ.

NHTW Trung Quốc (PBOC) đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm liên quan đến hệ thống Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số (DCEP) ở 4 thành phố - Tô Châu, Xiongan, Thâm Quyến và Thành Đô. Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc mới đây đã phát hành tiền kỹ thuật số trị giá 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,55 triệu USD) cho người dân địa phương để thúc đẩy tiêu dùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đại diện PBOC cũng đã từng khẳng định, Trung Quốc đã “cơ bản hoàn thành” thiết kế cấp cao nhất, thiết lập tiêu chuẩn, nghiên cứu các chức năng và thử nghiệm tích hợp của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã nhiều lần xác nhận rằng không có thời gian biểu cho việc ra mắt chính thức đồng tiền kỹ thuật số của quốc gia này.

Các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ được hưởng lợi từ công nghệ tương tự như các đồng tiền điện tử tư nhân. Chúng bao gồm cho phép người dùng thanh toán ngay lập tức, giải quyết giao dịch nhanh hơn và chi phí thấp hơn, đặc biệt là đối với các thanh toán xuyên biên giới.

CBDC cũng có thể trở thành một phương tiện để đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính cho những nhóm không có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trái ngược với tiền điện tử tư nhân, CBDC sẽ được tập trung hóa và một đơn vị tiền tệ kỹ thuật số sẽ có cùng giá trị với một đơn vị tiền mặt.

Theo nghiên cứu về đồng CBDC của Trung Quốc, đồng tiền pháp định kỹ thuật số được phát hành bởi một quốc gia đảm bảo 1:1 bởi dự trữ của các ngân hàng thương mại, nó hướng đến mục tiêu thay thế cung tiền M0 thông qua việc số hóa tiền mặt.

Theo góc nhìn của PBoC, đồng tiền kỹ thuật số này sẽ đem lại các lợi ích như: (i) Khả năng tính toán chính xác hơn các chỉ tiêu như tỷ lệ lạm phát và các tiêu chí kinh tế vĩ mô khác; (ii) Tăng khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực như việc phát hành, ghi sổ và lưu hành của tiền, góp phần làm tăng sức mạnh cho các công cụ chính sách tiền tệ và hỗ trợ nhà hoạch định chính sách; (iii) Nâng cao khả năng phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế thông qua hoạt động của Trung tâm dữ liệu lớn; (iv) Giảm bớt việc cung cấp thông tin, báo cáo giữa các tổ chức tín dụng và nhà quản lý.

Bên cạnh những lợi ích mang lại thì luôn có những rủi ro đi kèm khi sử dụng phương tiện thanh toán là tiền kỹ thuật số. Trong đó, có thể kể đến nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, luôn hiện hữu hacker và tội phạm mạng… Cùng với đó, do tính ẩn danh và thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch nên tiền kỹ thuật số có thể bị lợi dụng cho các giao dịch phi pháp cũng như sẽ là một thách thức lớn với các NHTW và cơ quan quản lý trong kiểm soát lượng cung tiền, quản lý, giám sát và xử lý sự cố, rủi ro.

Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không coi nó là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm quy định pháp luật.

Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới.