Xử lý hoá đơn đã lập không đúng thuế suất quy định

PV.

(Tài chính) Cục Thuế Thái Bình vừa giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp trong việc xử lý trường hợp lập hóa đơn không đúng thuế suất quy định đối với mặt hàng trấu ép.

Xử lý hoá đơn đã lập không đúng thuế suất quy định
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cục Thuế Thái Bình hướng dẫn, thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT) mặt hàng trấu ép đã được quy định rõ tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ.

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 06/2012/TT-BTC, đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu; Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác…

Cũng tại Khoản 5, Điều 10 của Thông tư trên, thuế suất 5% được áp dụng đối với các mặt hàng sau: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác ở khâu kinh doanh thương mại; Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại điểm này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mỳ.

Ngoài ra, theo Biểu thuế GTGT theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài Chính: “Rơm, rạ và trấu từ cây ngũ cốc, chưa xử lý , đã hoặc chưa băm, nghiền, ép hoặc làm thành dạng viên” áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Như vậy, Cục Thuế Thái Bình khẳng định, mặt hàng trấu ép là sản phẩm trồng trọt mới chỉ qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm khác. Nếu sản phẩm này mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế, nếu mua ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp hoá đơn đã lập không đúng thuế suất quy định cũng được quy định rõ tại Khoản 3, Điều 18 Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ quy định việc xử lý đối với hoá đơn đã lập. 

Theo đó, hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế GTGT…, tiền thuế GTGT cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

Căn cứ quy định trên, trường hợp các hoá đơn đã lập không đúng thuế suất quy định thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh thuế suất. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) thuế suất cho hoá đơn số…, ký hiệu…Hoá đơn này là căn cứ để hai bên điều chỉnh thuế đầu ra, đầu vào.