Xử lý nghiêm hàng loạt tin đồn thất thiệt về vỡ đê đang “trôi nổi” trên các trang mạng xã hội

PV. (t/h)

Trong những ngày qua, trên các nền tảng mạng xã hội, một số tài khoản cá nhân, hội nhóm kín đã đăng tải, lan truyền nhiều thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, thông tin sai bản chất, thổi phồng nội dung... về tình hình mưa lũ, đặc biệt là sự cố vỡ đê trên địa bàn nhiều tỉnh, thành. Hành vi này gây hoang mang trong xã hội, người dân cần nêu cao cảnh giác, kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ.

Các thông tin vỡ đê hoàn toàn sai sự thật

Hình ảnh một đoạn đường liên thôn ngăn giữa suối Lai Sơn với một cánh đồng.
Hình ảnh một đoạn đường liên thôn ngăn giữa suối Lai Sơn với một cánh đồng.

Chiều 10/9, mạng xã hội lan truyền bài viết một con đê ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị vỡ gây hoang mang dư luận, nhiều người dân bày tỏ lo ngại nếu đê vỡ sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng ở huyện này. Chính quyền huyện Sóc Sơn khẳng định, đây là thông tin không chính xác. Thực tế là vỡ một đoạn đường liên thôn ngăn giữa suối Lai Sơn với một cánh đồng.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho hay, đây chỉ là một dòng suối và có con đường đi vào khu dân sinh, chứ không phải là đê, nước chảy mạnh từ suối làm xói con đường. Sự cố xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/9, với bề rộng điểm vỡ khoảng 5-6 m. Thời điểm xảy ra sự cố, nước trong suối Cầu Lai (xã Bắc Sơn) tràn vào gây úng ngập khoảng 12 ha (lúa 10 ha, màu 2 ha).  Hiện sự cố đã được Huyện này khắc phục gần xong.

Công an Hải Dương xử lý đối tượng đưa tin sai.
Công an Hải Dương xử lý đối tượng đưa tin sai.

Trong khi đó, ngày 10/9/2024, lực lượng Công an Hải Dương phát hiện một số tài khoản Facebook đăng tải bài viết, bình luận, chia sẻ thông tin nội dung sai sự thật về việc vỡ đê trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Chí Linh… Những bài viết đã thu hút sự chú ý và chia sẻ của hàng ngàn lượt người. Ngay sau khi phát hiện thông tin, Công an tỉnh đã tiến hành xác minh, làm rõ và mời 5 chủ tài khoản Facebook lên làm việc.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng này thừa nhận bản thân đã không kiểm chứng chính xác nguồn thông tin mà cho đăng tải công khai các nội dung không đúng sự thật về tình hình mưa lũ, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Hiện, Công an tỉnh đang tiếp tục nắm tình hình, rà soát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão, mưa lũ.

Cùng ngày (ngày 10/9/2024), một số tài khoản, hội nhóm kín tại tỉnh Thái Bình đã đăng tải, lan truyền nhiều thông tin không đúng về hệ thống đê Hồng Hà thuộc địa phận xã Vũ Đoài bị vỡ.

Cũng ngày 10/9, Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) phát hiện tài khoản Facebook Nguyễn Quỳnh (Quỳnh) bình luận tại fanpage 'Hóng biến Hải Dương' với nội dung 'Phượng Hoàng vỡ đê rồi', với 10 lượt like và 14 lượt bình luận. Công an huyện Thanh Hà đã xác minh và mời chủ tài khoản Facebook này đến làm việc. Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Quỳnh trình bày thông tin “Phượng Hoàng, Thanh Hà vỡ đê rồi” là thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng, nhưng vì là tin nóng nên đã không xác minh mà bình luận ngay lên trang fanpage “Hóng biến Hải Dương”.

Công an huyện Tứ Kỳ đã làm việc với UBND xã An Thanh và xác nhận không có việc đê bị vỡ như bài viết nêu trên. Đồng thời, Công an huyện đã xác minh và mời chủ tài khoản Facebook là Ngô Văn Quý (sinh năm 1993, trú tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ) lên trụ sở công an để làm việc.

Các thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân.
Các thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân.

Tối ngày 10/9, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình nêu rõ: Hiện nay, trên mạng xã hội và một bộ phận người dân đang lan truyền thông tin một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh như huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà...bị vỡ, khiến người dân hoang mang. Nhiều người dân đổ xô tích trữ đồ ăn trước những tin đồn thất thiệt.

Từ trưa 10/9, trong một số người dân có lan truyền thông tin về việc vỡ đê trên địa bàn huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng).

Lãnh đạo UBND huyện cho biết, thông tin lan truyền việc một số tuyến đê trên địa bàn huyện vỡ là hoàn toàn sai sự thật. Cơ quan chức năng cũng đã xác định người đăng tin là C.T.H (thường trú tại Quang Trung, An Lão, Hải Phòng). Các cơ quan chức năng của huyện Tiên Lãng đang tiến hành xử lý theo quy định. Chính quyền huyện Tiên Lãng khuyến cáo người dân theo dõi thông tin trên các kênh thông tin chính thống để bảo đảm tính chuẩn xác về tình hình bão lũ cũng như các chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3...

Đê và cống Giang Khẩu (xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn an toàn đến chiều 10/9. 
Đê và cống Giang Khẩu (xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn an toàn đến chiều 10/9. 

Tại Bắc Giang, thông tin thất thiệt về vỡ đê tại địa bàn Tỉnh này trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Chi cục đê điều Tỉnh kiểm tra thông tin này. Chi cục đê điều tỉnh khẳng định "thông tin vỡ đê ở tỉnh Bắc Giang là sai sự thật".

Tại huyện Tân Yên, Công an phát hiện tài khoản facebook “M.G” đăng tải bài viết có nội dung sai sự thật về vỡ đê tại địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngay sau đó, Công an huyện tiến hành xác minh, làm rõ thông tin của chủ tài khoản facebook “M.G”. Tại cơ quan Công an, P.T.M thừa nhận do bản thân không kiểm chứng chính xác nguồn thông tin về vỡ đê tại Tỉnh.

Cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội

Lợi dụng việc Nhân dân cả nước đang hướng về các địa phương, theo dõi tình hình mưa, lụt, các đối tượng đã không ngần ngại tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, hòng "câu view", "câu like". Đây là một việc làm vô cùng đáng trách khi đồng bào đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do bão, lũ gây ra. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người dân không kiểm chứng nguồn thông tin mà đã vội vã chia sẻ các nguồn tin không chính thống.

Do vậy,  các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương, cơ quan Công an liên tục cảnh báo, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; cần theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.

Mọi hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật về tình hình thiên tai, bão lũ sẽ bị phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Tối 10/9, Công an xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (Lào Cai) triệu tập 1 đối tượng dùng tài khoản facebook Đoàn Như Quỳnh đăng tải tin sai sự thật về việc đập thủy điện Cốc Ly bị vỡ, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân trong thời điểm mưa lũ.

Sau khi đăng tải thông tin với nội dung “Đập thủy điện Cốc Ly vỡ rồi,” bài đăng của tài khoản facebook Đoàn Như Quỳnh thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người tại địa bàn xã Bảo Nhai. Nhiều bà con nhân dân hoảng loạn khi nghe tin, di dời lên đỉnh đồi lánh nạn ngay trong đêm.

Tại cơ quan Công an, Đoàn Như Quỳnh thừa nhận bản thân đã không kiểm chứng chính xác nguồn thông tin, nhưng đã cho đăng tải công khai các nội dung không đúng sự thật về tình hình vỡ đập thủy điện, gây hoang mang trong cho nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lụt bão và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.