Bảo hiểm sẽ bồi thường hơn 1.000 xe cơ giới bị thiệt hại do bão số 3
Cập nhật đến chiều ngày 10/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm ước tính số vụ tổn thất từ nghiệp vụ tài sản kỹ thuật và bảo hiểm xe cơ giới đã lên tới 1.754 vụ.
Theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, tính tới chiều ngày 10/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận được 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do Bão số 3 (Yagi) gây ra.
Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ và PJICO 107 vụ.
Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ. Riêng vụ bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm chưa nhận được thông tin thiệt hại về người.
Các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại chưa ước tính được cụ thể giá trị thiệt hại; đồng thời tiếp tục theo cập nhật về số vụ tổn thất của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hoàn lưu Bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều địa phương phía Bắc.
Trước đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra.
Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Ngay sau đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã có Văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình, đồng thời chung tay tham gia cùng hỗ trợ trên tinh thần “tương thân, tương ái” chia sẻ, giúp đỡ phần nào khó khăn đối với đồng bào bị ảnh ảnh hưởng của thiên tai.
“Với mục tiêu đặt khách hàng là trung tâm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tiếp tục tích cực tăng cường công tác thẩm định và giải quyết quyền lợi một cách nhanh chóng, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả”, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay.
Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau khi Bão qua đi, hoàn lưu bão đã và đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này cũng đã khiến nhiều khách hành của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chủ động vào cuộc ngay, cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà Bão số 3 đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và chi trả bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do Bão số 3 gây ra.