Xử lý nợ xấu: cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tham gia buổi tọa đàm “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức.

 Xử lý nợ xấu: cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ
Nợ xấu không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng. Nguồn: internet

Nợ xấu tăng cao

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, "từ năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm tạo nên vòng luẩn quẩn: sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm – nợ xấu tăng – tín dụng giảm..."

Năm 2014 cho nền kinh tế vẫn đối diện với 4 thách thức: (1) nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường đã thu hẹp “dư địa” của các chính sách tài khóa và tiền tệ; (2) tình hình nợ xấu tuy có cải thiện nhưng dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế khó hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài; (3) do lạm phát kỳ vọng nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế và lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần, nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất vay trung và dài hạn - ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20/08/2014, VAMC đã mua được 56.000 tỷ nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, bán được 1.400 tỷ nợ xấu. Con số bán nợ quá nhỏ so với con số mua, được thể hiện một thực tế mà ai cũng đã thấy rõ là VAMC đang phải hoạt động trong điều kiện còn nhiều hạn chế về cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mại tài sản thuận lợi, cơ chế để chứng khoán hóa các khoản nợ…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ xấu tăng cao như hiện nay, song theo TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì nguyên nhân chính đó là: Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng khiến chất lượng tài sản nói chung của hệ thống ngân hàng suy giảm nhanh chóng. Bên cạnh đó là tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức và tập trung vào một số ngành, đặc biệt là ngành phi sản xuất, cũng như sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài quốc gia. Trong khi đó, hiệu quả của hoạt động giám sát hệ thống chưa hiệu quả, chất lượng quản lý của ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng thẩm định khoản vay kém. Những nguyên nhân này khiến khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước những “cú sốc” từ bên ngoài kém.

Cần các giải pháp đồng bộ

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nợ xấu không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà nó gắn liền với bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi tổng cầu của nền kinh tế, cần khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ quá trình mua bán nợ, xử lý tài sản.

Nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức VAMC, TS. Trần Du lịch cho rằng, cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của Doanh nghiệp nhà nước. “Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ. Nợ mấy trăm ngàn tỷ mà vốn của VAMC có 500 tỷ sao giải quyết được.” - TS.Trần Du Lịch khẳng định.

 Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định, để cắt nợ xấu thì ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay, tạo máu cho nền kinh tế. Theo ông Thành, thời điểm hiện tại Việt Nam có 4 lựa chọn, có thể dùng riêng hoặc dùng lẫn:

Thứ nhất, bơm tiền vào hệ thống từ ngân sách công, tuy nhiên Chính phủ hiện không còn ngân sách nữa bởi hiện thâm hụt ngân sách đã tới 5%/năm và trần nợ công tới 65% GDP đến 2020. Do đó, để thực hiện giải pháp này, thì thâm hụt ngân sách chỉ được giữ ở mức 4% từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một nguồn tiền là từ việc bán tài sản Doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa) khoảng 100.000 tỷ, song cận phải tính toán thận trọng.

Thứ hai, ngân hàng Nhà nước tự xoay sở để có nguồn tiền bơm vào hệ thống. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì ngân hàng Nhà nước có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.

Thứ 3, thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Trao thêm những đặc quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại;

Thứ tư, vay một khoản tiền thích hợp từ các tổ chức tài chính quốc tế và phối hợp với họ trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các khía cạnh có liên quan của nền kinh tế.

Cuối cùng, TS. Thành nhấn mạnh “Tôi cho rằng có biện pháp trộn lẫn các phương án này lại để dàn trải sức chịu đựng của nền kinh tế nhưng cần có gói giải pháp đồng bộ nếu không sẽ mất thêm nhiều năm nữa”.