Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng lớn từ AMC
Trong vòng 1 tuần tới đây, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (AMC) sẽ chính thức ra đời, mang theo kỳ vọng rất lớn về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu không đưa ra được các cơ chế phù hợp, nợ xấu có nguy cơ không bán được hoặc phải bán với giá rẻ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Đề án Thành lập AMC sau nhiều lần lấy ý kiến hầu như đã được thông qua, chỉ còn đợi hoàn tất một số thủ tục về mặt giấy tờ.
Trước đó, cuối tháng 2/2013, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải trình Chính phủ việc thành lập và quy định về Điều lệ AMC, để triển khai thực hiện trong quý I/2013. Như vậy, nếu theo đúng tiến độ, chỉ trong vòng tuần này hoặc tuần tới, AMC sẽ chính thức ra đời và đi vào hoạt động.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, AMC ra đời sẽ có tác dụng tích cực, thậm chí có ý nghĩa quyết định trong việc xử lý nợ xấu. Sau khi ra đời, AMC sẽ mua nợ xấu từ ngân hàng và bán nợ xấu ra nền kinh tế. Đối tượng mua nợ xấu là cả khách hàng trong nước và ngoài nước.
Theo quy trình xử lý nợ xấu thông thường của các AMC trên thế giới, đầu tiên, các ngân hàng sẽ chuyển nợ xấu sang AMC để nhận trái phiếu do AMC phát hành. Việc này giúp nợ xấu của ngân hàng biến mất khỏi bảng cân đối tài sản, thậm chí biến thành một loại giấy tờ có giá để cầm cố, thế chấp trên thị trường, hoặc có thể đem lên NHNN chiết khấu lấy tiền. Như vậy, từ các khoản nợ xấu nằm “chết” trong hệ thống ngân hàng, thị trường có thêm luồng vốn để lưu thông.
Được biết, công tác phân loại nợ đang được các ngân hàng tiến hành rốt ráo. Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết: “Hiện nay, hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao đều đã phân loại riêng một nhóm nợ để sẵn sàng bán cho AMC ngay khi công ty này được thành lập. Việc bán được ít hay nhiều phụ thuộc vào giá của khoản nợ mà AMC đưa ra, song các ngân hàng đã chuẩn bị tâm lý hạ giá các khoản nợ của mình theo giá thị trường, còn hơn là để chôn nợ không lối thoát”.
Hậu AMC, nợ xấu sẽ đi đâu?
Tuy được kỳ vọng rất lớn, song cũng nhiều mối lo được đặt ra sau khi AMC chính thức ra đời. TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, thị trường nợ kém phát triển hiện nay có thể khiến các khoản nợ xấu chuyển sang AMC được bán với giá thấp, hoặc không thể bán được. Điều này sẽ gây tổn thất lớn cho ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời gây bất ổn thị trường.
Trên thực tế, mặc dù chuyển giao nợ xấu sang AMC, song trách nhiệm chính về khoản nợ xấu vẫn thuộc về các ngân hàng. Nói cách khác, bán nợ xấu cho AMC chỉ là giải pháp giãn nợ, giúp ngân hàng tạm thời tránh được thua lỗ tạm thời. Nếu khoản nợ này AMC không thể bán được, đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nợ xấu sẽ quay trở lại ngân hàng.
Nỗi lo trên là có cơ sở, bởi Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố để hoạt động mua bán nợ phát triển như: kinh nghiệm, thể chế để giải quyết nợ xấu, các quy định về phá sản… Để thực hiện quá trình mua - bán, ông John Sheehan, thành viên Tổ chức Giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS) cho rằng, các ngân hàng cần chấp nhận bán các khoản nợ thấp hơn giá trị sổ sách, có quy định rõ ràng về phá sản, đảm bảo quyền sở hữu với các nhà đầu tư nước ngoài và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu… Chưa kể, những dự báo chưa mấy lạc quan về nền kinh tế trong vài ba năm tới, khiến các khoản nợ xấu chưa thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu, Ngân hàng Standard Chartered, trong báo cáo công bố cuối tuần qua, khuyến cáo, Việt Nam không nên sốt ruột giải quyết nợ xấu trong ngắn hạn, mà phải thực hiện theo từng bước. Trong đó, bước đầu tiên là phải ghi nhận đầy đủ nợ xấu. Con số nợ xấu hiện nay của Việt Nam, theo Standard Chartered là thiếu rõ ràng, do không áp dụng chuẩn quốc tế để tính toán.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu thời gian qua giảm chủ yếu là do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro và cơ cấu nợ. Thực tế, rất ít khoản nợ xấu nào được xử lý do doanh nghiệp mang tiền trả nợ ngân hàng, nghĩa là, nợ xấu mới chỉ được “tạm che lại” mà chưa được xử lý dứt điểm.