Xử lý nợ xấu phải có nhiều kịch bản
(Tài chính) Đến lúc này, cách xử lý nợ xấu ngân hàng được cho là hiệu quả nhất là… tự xử. Cần có cơ chế phân loại các khoản nợ xấu, nhất là nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước để xử lý dễ dàng hơn.
Tính đến 6/11/2014, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 97 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc của các tổ chức tín dụng và quy đổi ra “tiền” đặc biệt: trái phiếu đặc biệt. Cũng vì là loại tiền đặc biệt nên thực tế các ngân hàng đã bán nợ cho VAMC chỉ thực thu về gần 58 nghìn tỷ đồng trên giấy. Song tính đến tháng 9/2014, tổng nợ xấu các tổ chức tín dụng đã xử lý ước đạt 252.000 tỷ đồng, bằng 54,3% tổng nợ xấu. Vậy 155 nghìn tỷ đồng còn lại họ đã làm cách nào? Bằng bán tài sản đảm bảo, phân lại nhóm nợ và chủ yếu bằng của để dành từ quỹ trích lập dự phòng rủi ro. Xin đưa ra một vài con số: Quý III/2014, phần trích lập dự phòng rủi ro của ABBank là 108 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì mức trích lập của ngân hàng này tăng đến 18 lần. Sau 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này trích lập tổng cộng 216 tỷ đồng. Ngân hàng ACB trong Quý III trích lập một khoản dự phòng rủi ro tín dụng là 664,39 tỷ đồng, tăng gần 95% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, 9 tháng đầu năm nay ngân hàng này trích lập dự phòng 2.714 tỷ đồng.
Xin lưu ý là ngay cả với các khoản nợ đã bán cho VAMC, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20%/tổng giá trị nợ đã bán. Mà bán nợ cho VAMC cũng không dễ vì phải là khoản nợ xấu… dễ xử lý và phải trên 1,5 tỷ đồng. Chưa kể việc thống nhất giá giữa ngân hàng và VAMC cũng khó khăn. Vì VAMC tuy là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng cũng không được lỗ! Khó bán, bán với giá thấp, lại chỉ nhận về… giấy. Chính vì vậy, có thể nói hiện VAMC không còn “thiêng” với nợ xấu. Điều mà các ngân hàng mong muốn vẫn là bán đứt nợ xấu cho VAMC và nhận về tiền tươi thóc thật. Ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu, nhưng do nhiều nguyên nhân nợ xấu vẫn đang tiếp tục tăng, có ngân hàng tỷ lệ này đã vượt 20%. Thậm chí, không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ mà tới đây sẽ có cả một ngân hàng thương mại nhà nước bị sáp nhập. Do đó, nếu cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC vẫn không thay đổi thì tới đây sẽ có thêm nhiều công ty kiểu như VPBank AMC để xử lý các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày của VPBank. Thực tế nợ xấu hiện vẫn chủ yếu do ngân hàng tự xử. Và trong quá trình tự xử lý này các ngân hàng nhận ra một điều: nợ xấu của khối doanh nghiệp tư nhân dễ xử lý, xử lý nhanh hơn nhiều so với nợ xấu ở khối doanh nghiệp nhà nước. Tại sao như vậy?
Nợ xấu tại doanh nghiệp nhà nước cần được phân loại
Trước hết, nợ xấu của khối doanh nghiệp tư nhân tuy nhiều (về số lượng doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn doanh nghiệp nhà nước), nhưng xét về từng món thì bé hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, vì là sở hữu tư nhân nên quyền tự quyết của họ cao. Trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo thì thỏa thuận giữa con nợ với chủ nợ cũng đơn giản, nhanh chóng, cho dù phải bán tài sản đảm bảo nợ vay (nay đã thành nợ xấu) với giá thấp hơn nhiều so với thời điểm định giá. Vì thực tế tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản đã “bất động” rất lâu, nên giá trị thực tế giảm mạnh, tính thanh khoản thấp mà cứ đòi bán với giá ban đầu thì không thể được.
Ngược lại, với các doanh nghiệp nhà nước, thực tế là các tổng công ty càng to thì nợ xấu càng nhiều. Tuy con số nợ xấu cụ thể của từng đơn vị (trừ Vinashin) không được công khai, nhưng cũng có thể thấy những khoản nợ xấu lớn đang nằm ở những tổng công ty, tập đoàn đình đám như: Tập đoàn Xăng Dầu, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…
Nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước từng được một tiến sĩ kinh tế dự tính vào khoảng gần 200 ngàn tỷ đồng thời điểm năm 2012. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã từng đưa ra tỷ lệ 11,8% là nợ xấu khối doanh nghiệp nhà nước trong tổng nợ xấu ngân hàng (chưa tính Vinashin với số vay nợ hàng ngàn tỷ đồng). Gần đây nhất, trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa ra con số cụ thể nào, nhưng tỏ ra rất lo ngại, đến mức đề nghị dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước. Đề xuất này ít nhiều là có lý khi không ít khoản nợ xấu đang nằm ở các đơn vị xây dựng công trình giao thông, hạ tầng cơ sở, do họ chưa được chủ đầu tư thanh toán nên không thể trả được nợ ngân hàng.
Để xử lý được nợ xấu tại khối doanh nghiệp nhà nước cần tính tới việc phân loại chúng. Thứ nhất là phân loại theo qui mô của món nợ. Những khoản nợ xấu ở mức nhất định, ví dụ dưới 50 tỷ đồng thì có thể để doanh nghiệp cùng ngân hàng thỏa thuận về giá bán tài sản đảm bảo mà không phải “trình lên, trình xuống”, bị quy kết thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước. Thứ hai, phân loại nợ xấu theo ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ, hiện các ngân hàng đang triển khai các chương trình tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên thì khi phát sinh nợ xấu cũng cần một biện pháp “ưu tiên” để xử lý. Hoặc xác định một số ngành, lĩnh vực không quan trọng thì có thể bán đứt nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài mà không phải lo ngại bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm… Trong một số trường hợp đặc biệt cũng cần dùng tiền ngân sách để xử lý. Vì nợ xấu nếu để càng lâu không chỉ gây thiệt hại cho ngân hàng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Khi những khoản nợ xấu lớn được giải quyết, chắc chắn sẽ có tác dụng khơi thông hướng giải quyết cho các khoản nợ xấu khác. Bởi, hiện tình trạng các doanh nghiệp sở hữu chéo lẫn nhau, doanh nghiệp “sân sau” của các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… là khá phổ biến trong nền kinh tế nước ta.