Xử phạt hàng xách tay không hóa đơn: Tiểu thương "thờ ơ", người tiêu dùng "mơ hồ"
Khảo sát trên các địa chỉ online, hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn đang diễn ra tấp nập giữa người bán và cả người mua.
Việc buôn bán hàng xách tay không hóa đơn có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sẽ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10.
14 ngày nữa sẽ áp dụng nhưng hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra bình thường
Đáng chú ý, chỉ còn 14 ngày nữa là Nghị định được áp dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của tại các trang bán hàng xách tay trên các trang online vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khảo sát các group bán hàng xách tay, người tiêu dùng cũng không khó để hỏi mua các mặt hàng từ rượu, sữa bột, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... xách tay.
Tại một địa chỉ online bán các mặt hàng sữa ngoại nhập cho biết, sữa ngoại có đủ loại từ sữa Meiji hộp 800 gram xách tay trực tiếp từ Nhật loại cho trẻ dưới 1 tuổi có giá 450.000 đồng/hộp, loại từ 1-3 tuổi 550.000 đồng/hộp, rẻ hơn hàng chính hãng cả trăm ngàn đồng.
Chị T.Ch (chủ shop online buôn bán sữa nội - ngoại nhập tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mặt hàng sữa xách tay những năm trước rất nhiều, nhưng hiện chỉ còn một số loại bán được vì các thương hiệu sữa lớn đã có hàng nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, những người bán như chị vẫn sống được vì sữa xách tay có giá "mềm" hơn hàng chính hãng.
Khi được hỏi về việc sắp tới hàng xách tay sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, chị T.Ch không tỏ ra lo lắng mà còn cho rằng trước giờ ai kinh doanh hàng xách tay đều hầu như được "mặc định" là bán hàng lậu, khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không có hóa đơn, chứng từ chắc chắn bị xử lý theo quy định.
"Để yên ổn làm ăn, những người bán hàng xách tay rất ít trưng bày hay trữ hàng hóa xách tay ở cửa hàng, thậm chí là vỏ hộp, mà chủ yếu là hàng có "giấy phép". Do đó khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng rất khó phát hiện được hàng xách tay tại cửa hàng", người này cho biết.
Không phải chờ đến Nghị định 98 mà trước đây, Facebook và các thương hiệu nổi tiếng cũng đã nhiều lần "can thiệp" với các mặt hàng xách tay này như giảm tương tác, không nhận quảng cáo.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại, nhiều chủ tài khoản đã lựa chọn hình thức tinh vi hơn. Ví dụ, nhãn hiệu YSL sẽ được đổi tên thành Y.S.L, Mango sẽ được Việt hóa thành Man gồ,…Không chỉ vậy, các ký tự được ngăn chặn tự động như sale, free sẽ được đổi thành sa.le, F.ree,…gây khó khăn trong kiểm soát.
Nghị định chưa áp dụng, nhiều người tiêu dùng còn chưa biết
Không chỉ những người bán hàng mà ngay chính rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn biết tới nghị định này, là nguyên nhân giúp các hoạt động buôn bán hàng hóa xách tay trên các địa chỉ online vẫn diễn ra bình thường.
Chị M.Th (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ về nhu cầu mua nhiều hơn hàng xách tay của mình trong thời gian gần đây: ""Đây đang là thời điểm vàng để mua hàng xách tay. Vì dịch cũng gây ảnh hưởng kinh tế cho các nước châu Âu nên để kích cầu, hàng hóa được sale, ưu đãi, tặng kèm rất nhiều.
Để ý mấy tháng nay các địa chỉ nán hàng xách tay đều có các chương trình giảm giá lớn. Không chỉ giảm giá từ thương hiệu mà về tay còn được sale bởi các địa chỉ online nhờ các chương trình cạnh tranh, thu hút khách hàng của họ.
Đặc biệt, các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, các thực phẩm đóng hộp,…là những sản phẩm mình hay mua từ nguồn hàng xách tay cũng đang có các chương trình giảm giá lớn nên gần như mấy tháng nay mình đều mua sắm nhiều hơn với mục đích để sử dụng dần. Hoàn toàn chưa nghe hay biết tới nghị định này".
Đồng quan điểm với chị M.Th chị M.H (bà nội trợ ở Hà Nội) cũng cho biết: "Mình không chỉ dùng hàng xách tay cho mình mà mua cả cho con nên hiểu khá rõ. Bản thân mình hay tâm lý người Việt Nam vẫn vốn có suy nghĩ sính ngoại như một nhu cầu tự nhiên vì một số sản phẩm hàng ngoại có tính đặc thù và chất lượng vượt trội.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số loại thực phẩm trong nước cũng đang có chất lượng và giá thành cạnh tranh hơn hẳn nên nhu cầu dùng "hàng xách tay" tự động giảm. Như mình thì với các loại jambong, thịt nguội, xúc xích… trước có mua hàng xách tay nhưng giờ thì không còn mua nữa".
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cũng đồng quan điểm cho rằng việc đa phần hàng hóa xách tay hiện nay đều được bán trên các trang mạng xã hội với quy mô đa dạng, hình thức tinh vi. Vì thế, sau khi nghe qua về nghị định này họ vẫn tỏ ra khá băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của nó.