Xuất khẩu 2012-2013: Chờ đợi hay chủ động đương đầu với khó khăn?
Dự báo về tương lai kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm và năm 2013 không mấy khả quan. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,9%. Khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2013 và sẽ chỉ có phần sáng sủa hơn từ nửa cuối 2013. Vậy doanh nghiệp nên chờ đợi hay chủ động đương đầu với khó khăn?
Trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế thế giới, chiến lược tìm kiếm nguồn cung ứng của doanh nghiệp quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào các thị trường cụ thể, tìm đến những đối tác có uy tín và ký kết những hợp đồng có giá trị nhỏ để giảm thiểu rủi ro. “Đương nhiên cũng có những ngoại lệ, nhưng nhìn chung doanh nghiệp đang có xu hướng tối thiểu hóa mức rủi ro của mình” – đánh giá của Morrison & Foerster LLP trong báo cáo xu hướng tìm kiếm nguồn cung ứng năm 2012.
Bên cạnh đó, các kế hoạch nhằm tối thiểu hóa chi phí trong hoạt động tìm kiếm nguồn cung ứng cũng nằm trong chiến lược của nhiều nhà nhập khẩu, kể cả phòng thu mua của những tập đoàn lớn trên thế giới. Giám Đốc Phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Alibaba.com, ông Trần Xuân Thủy cho biết: “Với sự chuyển hướng sang các nguồn hàng chất lượng và giá thành cạnh tranh tại những thị trường mới, hoạt động tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp của nhà nhập khẩu bắt buộc phải được đẩy mạnh hơn nhưng vẫn cần đến sự tối ưu về chi phí. Do đó, ngân sách cho các hoạt động tốn kém trước đây như tham gia hội chợ, triển lãm và gặp gỡ đối tác trực tiếp ngay tại các thị trường mục tiêu có xu hướng được cắt giảm và thay thế bằng những phương thức khác ít tốn kém và hiệu quả hơn.”
Chờ đợi hay chủ động tìm kiếm giải pháp?
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào giữa tháng 03/2012, 67% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch thu hẹp hoặc giữ nguyên mô hình kinh doanh. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn giữ tâm lý lo ngại về biến động trong nhu cầu nhập khẩu và duy trì hoạt động cầm chừng. Hoạt động sản xuất suy giảm hoặc đình trệ, nhân sự được cắt giảm và các kế hoạch tìm kiếm thị trường mới gần như bị gác lại. Tình trạng này có thể sẽ diễn biến xấu hơn trước những tín hiệu không mấy lạc quan của những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Nhận xét về xu hướng này, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám Đốc Công ty OSB, đơn vị hiện phối hợp cùng Tập đoàn Alibaba.com triển khai gói hỗ trợ trị giá 21 tỷ đồng giúp doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp đang trở nên bi quan khi tình hình kinh tế thế giới không tiến triển tốt hơn mà dần xấu đi. Nếu tiếp tục chờ đợi thì doanh nghiệp của chúng ta khó có thể duy trì đến khi thấy được những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh việc điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong nội tại doanh nghiệp cho phù hợp, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm những giải pháp mang tính sáng tạo và tối ưu trong các hoạt động tìm kiếm khách hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nắm bắt xu hướng ứng dụng TMĐT của thế giới để xúc tiến hoạt động giao thương là một trong những giải pháp kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả dành cho cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu hiện nay.”
Một doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu mặt hàng nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản lên xuống thất thường, chúng tôi chọn giải pháp tạm thời là bán hàng của mình cho một doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực trong nước nhằm tránh được những rủi ro về biến động giá. Tuy nhiên, phương án này không mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho chúng tôi vì giá thu mua của các bên trung gian trong nước thường khá thấp. Gần đây, chúng tôi đang bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào kênh xuất khẩu trực tuyến, mà cụ thể là tận dụng gói hỗ trợ rất kịp thời của Alibaba.com và OSB để tham gia làm thành viên uy tín (Gold Supplier) trên Alibaba.com - Sàn TMĐT dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên toàn cầu hiện nay. Chúng tôi vẫn hi vọng có thể chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng kinh doanh khi thị trường trở nên bình ổn hơn.”
Một số lưu ý trong hoạt động xuất khẩu trực tiếp
Trước tiên là viêc xác thực đối tác lần đầu tiên giao dịch. Khi nhận được hỏi hàng tiềm năng từ nhà nhập khẩu nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm mọi biện pháp để tìm hiểu thông tin về đối tác: từ thông tin website công ty (qua các site như: www.domainsearch.com ; www.whois.com ); email, số điện thoại, số fax văn phòng tới việc đối tác có là thành viên của cơ quan hay tổ chức xúc tiến thương mại nào không... Đối với đối tác thuộc các quốc gia có chênh lệch múi giờ với Việt Nam, các doanh nghiệp nhiều khi phải thức cả đêm để gọi kiểm tra số điện thoại của người mua. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo thông tin từ các tổ chức xác thực và Đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước.
Thứ hai, có thể nói giá cả là một trong những yếu tố mang lại tính cạnh tranh cao của các sản phẩm made-in-Vietnam trong thời gian gần đây, mặc dù vậy, các doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ các chi phí liên quan như phí vận chuyển, thuế suất, phí bảo hiểm (nếu có), biến động về tỷ giá cùng các tác động về tài chính khác lên giá sản phẩm để đưa vào giá bán và cần thống nhất rõ ràng với đối tác trước khi ký kết hợp đồng, tránh việc một số doanh nghiệp không đảm bảo được lợi nhuận trong xuất khẩu thời gian qua.
Thứ ba, ngoài việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng xuất khẩu trên các sàn TMĐT, doanh nghiệp cũng có thế tìm được nguồn cung ứng về nguyên liệu hay bán thành phẩm với giá rẻ từ các nhà cung cấp khác trên thế giới.
Bên cạnh những nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong việc tìm kiếm giải pháp và đương đầu với khó khăn để vượt qua khủng hoảng, doanh nghiệp có thể tận dụng một số chính sách hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu do chính phủ ban hành gần đây như các ưu đãi về tín dụng, thuế suất,… hay các chương trình hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.