Xuất khẩu cần chiến lược cụ thể cho các thị trường lớn
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 12,1 tỷ USD vào 12 thị trường nhập khẩu lớn nhất (kim ngạch từ 400 triệu USD trở lên, chiếm 64,6% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Trong 12 thị trường trên, có 4 thị trường (chiếm 1/3) ở Đông Nam Á, với kim ngạch 2,136 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực Đông Nam Á. Khi khu vực này đang tiến tới thời điểm giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thì các doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh để có thể hạn chế một lượng hàng không nhỏ của các nước trong khu vực cũng sẽ tranh thủ cơ hội này để tràn vào Việt Nam. Nếu không nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam không chỉ “thắng ít trên sân người”, mà còn “thua trên sân nhà”.
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đi sâu, tìm hiểu kỹ hơn để duy trì và phát triển hàng hoá xuất khẩu vào 4 thị trường lớn nhất (đạt trên 1 tỷ USD) mà quan trọng nhất là cần chiến lược cụ thể với các thị trường này .
Trong số 4 thị trường lớn của xuất khẩu Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm tới 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vượt xa các thị trường đứng thứ hai trở xuống. Trong 2 tháng đầu năm 2013, 7 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là hàng dệt may đạt 1,248 tỷ USD, ngoài ra, còn có giày dép 360 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 244 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 158 triệu USD, thủy sản 143 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 123 triệu USD, dầu thô 108 triệu USD…
Mỹ là thị trường nhập khẩu có quy mô lớn trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đây mới chiếm khoảng 1% thị trường; không quá kén chọn như nhiều nước; có số Việt kiều sống ở đây đông nhất thế giới cùng nhiều doanh nghiệp của người Việt… Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng khi xuất khẩu sang đây đã có kim ngạch lớn, thì cần hết sức chú ý tránh “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh hàng rào kỹ thuật dưới dạng như kiện bán phá giá chẳng hạn.
Đối với thị trường Trung Quốc, những năm trước còn đứng thứ 3, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay đã vượt qua Nhật Bản lên đứng thứ 2 trong số những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 6 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 303 triệu USD, tiếp đến là sắn và sản phẩm từ sắn 272 triệu USD (chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam); cao su 182 triệu USD (chiếm 47,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam); gạo 146 triệu USD (chiếm 40,1% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam); than đá 128 triệu USD (chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu than của Việt Nam); gỗ và sản phẩm gỗ 121 triệu USD (chiếm trên 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam); xơ sợi dệt các loại 105 triệu USD (chiếm 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi dệt các loại của Việt Nam).
Một số mặt hàng khác, tuy kim ngạch tuyệt đối không lớn, nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của Việt Nam (như quặng và khoáng sản khác chiếm 58,4%, chất dẻo chiếm 41,3%, rau quả chiếm 29,6%, hạt điều chiếm 25,4%...). Đối với các mặt hàng mà thị trường Trung Quốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng/giảm mạnh của những mặt hàng này, vì tác động lớn đến giá cả, đến sản xuất trong nước.
Đối với thị trường Nhật Bản, hiện là thị trường lớn thứ ba, có 6 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là dệt may 330 triệu USD (chiếm 13,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam); tiếp đến là dầu thô 294 triệu USD (chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam); phương tiện vận tải khác và phụ tùng 264 triệu USD (chiếm 29,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 181 triệu USD (chiếm 23,3%); thủy sản 113 triệu USD (chiếm 14,9%); gỗ và sản phẩm gỗ 110 triệu USD (chiếm 14,9%).
Một số mặt hàng tuy đạt kim ngạch thấp hơn, nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tương ứng, như hóa chất chiếm 42,3%, dây điện và cáp điện chiếm 29,2%, sản phẩm từ chất dẻo chiếm 22%, sản phẩm từ hóa chất chiếm 20,6%, sản phẩm gốm sứ chiếm 16,9%, thủy tinh chiếm 15,2%, túi xách, ví, va li, ô dù chiếm 14,4%... Đối với Nhật Bản có vấn đề mới đặt ra là đồng Yên giảm giá sẽ làm cho tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ chậm lại, xuất siêu sang thị trường này sẽ thấp đi (2 tháng qua chỉ có 233 triệu USD).
Thị trường lớn thứ tư là Hàn Quốc với 13 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD trong đó lớn nhất là dầu thô 218 triệu USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam; tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng 208 triệu USD, chiếm 23,1%; dệt may 206 triệu USD, chiếm 8,3%... Vấn đề đáng lưu ý trong quan hệ buôn bán với Hàn Quốc là nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này hiện rất lớn, lên tới 1,822 triệu USD, bằng 167,5% kim ngạch xuất khẩu.