Xuất khẩu dệt may hướng tới đỉnh cao mới
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặt hàng này đang hướng tới đỉnh cao mới: vượt 15 tỷ USD, sau khi đã đạt 12,5 tỷ USD trong 10 tháng và lên mức 13,8 tỷ USD trong 11 tháng.
Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp – xây dựng. Tổng số doanh nghiệp dệt may năm 2010 đạt khoảng 6000, đứng thứ hai trong các ngành công nghiệp, tổng số lao động ở các doanh nghiệp dệt may đạt gần 1,1 triệu người, đông nhất trong các doanh nghiệp công nghiệp và đông thứ 3 sau các doanh nghiệp xây dựng, thương mại.
Năm 2012, mặc dù mới qua 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã lớn hơn mức cả năm của năm 2010. Nếu kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng tới mỗi tháng đều đạt bằng với mức của tháng 10 (1.344 triệu USD), thì cả năm 2012 sẽ vượt qua mốc 15 tỷ USD – đỉnh cao mới của xuất khẩu dệt may.
Thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam khá rộng lớn. Mới qua 10 tháng đã có 43 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 13 thị trường đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt là các thị trường sau đây.
- Hoa kỳ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam. Mới qua 10 tháng xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ đã đạt 6247 triệu USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ đã chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, vượt xa các thị trường khác. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đứng thứ hai sau CHND Trung Hoa.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai của Việt Nam. Mới qua 10 tháng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản đã đạt 1.621 triệu USD, chiếm trên 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản và chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Trong điều kiện xuất khẩu dệt may của Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường EU, thì 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản đã trở thành cứu cánh của hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam. Mới qua 10 tháng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã đạt trên 906 triệu USD, chiếm gần 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Ngoài các thị trường lớn trên, một số thị trường có kim ngạch khá khác gồm có: Đức 441 triệu USD, Anh 372 triệu USD, Tây Ban Nha 331 triệu USD, Canada 257 triệu USD, Hà Lan 199 triệu USD…
Trong 10 tháng năm nay, nhập khẩu một số nguyên vật liệu có liên quan đến sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may có một số điểm đáng lưu ý. Bông các loại nhập khẩu tăng cao về lượng (341 nghìn tấn, tăng 27,5%), nhưng do giá giảm khá sâu (giảm 36,2%, làm giảm 414 triệu USD), nên kim ngạch xuất khẩu giảm 18,6% (tương đương với 167 triệu USD), sợi dệt các loại lượng nhập khẩu tăng 3,5%, nhưng do giá giảm 13,7% (làm giảm 184 triệu USD), nên kim ngạch giảm 10,7% (hay giảm 139 triệu USD). Hai mặt hàng nay do giá giảm đã tiết kiệm được gần 600 triệu USD. Vải các loại nhập khẩu 5,72 tỷ USD, tăng nhẹ (2,2%). Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày là 2,58 tỷ USD, cũng chỉ tăng 4,5%.
Sang quý IV, thị trường dệt may tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Theo thông lệ, quý IV là quý cao điểm của xuất khẩu do nhu cầu về tiêu thụ hàng may mặc cho mùa mua sắm, nghỉ lễ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may vươn tới đỉnh cao mới trong năm 2012.