Xuất khẩu gạo phụ thuộc Trung Quốc: Thói quen "sẵn bán, sẵn đào"
(Tài chính) Thói quen "sẵn bán, sẵn đào" sẽ rất nguy hiểm, nó tạo ra thói quen ỉ lại, không có động lực trong phát triển kinh tế.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc cảnh báo an ninh lương thực nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng trong tương lai.
Trong khi đó, Việt Nam lại được coi là nguồn hàng tiềm năng xuất khẩu gạo lớn nhất sang thị trường Trung Quốc.
Lúa gạo xuất khẩu lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn chịu thua để thương lái Trung Quốc ép giá, mặc dù Trung Quốc đang phụ thuộc, đang bị thiếu. Vậy, phải hiểu nghịch lý này thế nào?
Tư duy ỉ lại
ĐBQH Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẳng định: "Việc này có trách nhiệm của các Hiệp hội (Hiệp hội lương thực và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) và các Tổng công ty lương thực".
Nghịch lý này xuất phát từ chính thực trạng "tư duy bán rẻ, bán nhiều" chủ yếu là xuất khẩu thô, nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến của Trung Quốc. Trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng lại là Trung Quốc.
Điều này cho thấy, chúng ta đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Phụ thuộc là một thói quen, thói quen mua rẻ, bán rẻ, bán nhiều khiến họ mất đi động lực, sức phát triển trong cạnh tranh với thị trường mới.
Vì thói quen "sẵn bán, sẵn đào" dẫn đến không có động lực nâng cao chất lượng sản phẩm, không tạo ra được sản phẩm đặc thù, chỉ quen xuất thô.
Nếu cứ duy trì tình trạng này sẽ rất nguy hiểm, về lâu dài nó sẽ tạo ra thói quen ỉ lại, một sức ì nguy hiểm không có động lực trong phát triển kinh tế.
Đó là thực tế vì sao chúng ta từ trước tới nay chủ yếu hướng tới thị trường phổ thông, dễ tính còn thị trường cấp cao thì không có sản phẩm cạnh tranh, không tạo được vị thế trên thị trường.
Thứ hai, vì nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ chủ yếu nhập từ Trung Quốc thường là công nghệ lạc hậu. Trong khi chúng ta luôn hướng tới thị trường cấp thấp, sẽ rất khó có thể đưa được công nghệ khoa học hiện đại vào áp dụng để nâng cao chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao.
Do đó, trong giai đoạn này khi Việt Nam đang gặp vấn đề về Biển Đông chúng ta cần phải có những quyết định chiến lược. Bên cạnh những thị trường truyền thống, chúng ta cần phải mở rộng, tìm kiếm những thị trường chiến lược. Thậm chí chấp nhận xuất khẩu tìm thị trường mới mà không tìm kiếm lãi trước mắt.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thay đổi ngay tư duy "mua rẻ, bán nhiều", phải tập trung đầu tư cho mặt hàng có thương hiệu, hướng tới sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng.
Tất nhiên, trong hợp tác kinh tế luôn có sự giàng buộc quyền lợi nhưng tuyệt đối không để phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào.
Chúng ta không hy vọng, cũng không mong muốn sẽ thoát ly hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc nhưng hợp tác phải đảm bảo cả hai cùng có lợi.
Ở đây phải nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của các Hiệp hội. Phải khẳng định, trong thời gian qua vai trò của các Hiệp hội này thể hiện quá mờ nhạt, không hiệu quả.
Việt Nam có sản phẩm chủ lực xuất khẩu thì lại bị cạnh tranh về giá, sản phẩm xuất khẩu nhiều lại bị Trung Quốc ép giá đó là điều nghịch lý mà một người dân bình thường cũng thấy... Rõ ràng trách nhiệm của khâu tổ chức kinh doanh, sản xuất là không tốt.
Có hai nguyên nhân, đầu tiên là vai trò của Hiệp hội lương thực và Hiệp hội cá tra, đã có một chính sách điều hành không tốt dẫn tới sự phân tán về giá cả. Không kết nối được giữa doanh nghiệp với thị trường xuất khẩu, tạo ra những sản phẩm chiến lược, có thương hiệu mạnh của địa phương cùng tham gia cạnh tranh trên thị trường.
Thêm nữa, là sự không đồng nhất về chất lượng, chủ yếu tìm tới bạn hàng giá rẻ để bán được nhiều đã làm mất đi tính cạnh tranh về chất lượng.
Do đó, đòi hỏi phải có một sự thay đổi chiến lược về thị trường, một là phải tạo thương hiệu mạnh, hai là quảng bá các sản phẩm ra thị trường các nước, ba là tìm kiếm một thị trường mới về nông sản.
Bên cạnh đó, khu vực sản xuất cũng phải đẩy mạnh chuỗi đầu vào tạo điều kiện cho người dân, các hộ sản xuất có các giải pháp tích cực hơn để hạ được giá thành.
Buông lỏng quản lý
Ông Huỳnh Văn Tiếp - Trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ nhìn nhận, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, nhưng trong thời gian qua chúng ta luôn phải chấp nhận xuất khẩu lúa gạo với giá thấp hơn so với các nước khác. Nguyên nhân do chất lượng gạo của Việt Nam thấp do đó đã không bán được giá cao.
Thực trạng này, xuất phát từ nguyên nhân là do chúng ta không có được một chiến lược xuất khẩu nên đã xảy ra tình trạng bán rẻ, mua rẻ nông dân bị ép giá, bỏ ruộng.
Thực tế, chúng ta luôn rơi vào thế bị động, sản xuất không tập trung, tự phát mạnh ai người nấy làm mà không có được đường lối, định hướng cụ thể dẫn tới tình trạng cái thị trường cần thì mình không có, cái chúng ta có thì lại thế giới lại thừa.
Chính vì rơi vào tình thế bị động như vậy cho nên chúng ta mới bị ép giá. Tình trạng này phải được chấm dứt ngay. Cần phải đặt ra quy hoạch cụ thể, đánh giá lại nhu cầu thị trường rồi mới tổ chức sản xuất.
Chúng ta ký hợp đồng với các nước nhưng lại không có một quy hoạch nào cụ thể, chưa tính tới giá thành, lợi nhuận, thị trường tiêu thụ có đảm bảo lợi nhuận cho nhà nước và người dân không. Đây là cũng vấn đề gây bức xúc thời gian qua và cần phải xem xét. Ngay với tình trạng xuất khẩu khoáng sản thời gian qua cũng vậy.
Cách đào lên rồi bán giá rẻ, gây lãng phí, thiệt hại cho đất nước. Đúng ra trong quá trình khai thác khoáng sản phải có chiến lược, quy hoạch cụ thể, chúng ta có bao nhiêu khoáng sản, khoáng sản nằm ở đâu, những loại nào sau đó mới lên kế hoạch khai thác thế nào, khai thác bao nhiêu là đủ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Và khai thác phải đảm bảo lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, tức là phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang làm chỉ mang tính tự phát, dựa vào đề xuất của một cá nhân, tập thể...
Chỉ dựa vào đề xuất của một bộ ngành mà đào bới vô tội vạ, không theo một quy hoạch nào cả. Như vậy vừa không hiệu quả, vừa lãng phí.
Do đó, cần phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các Hiệp hội trong thời gian qua đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?