Xuất khẩu nông sản: Giảm cả lượng và giá trị
(Tài chính) Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm cả về lượng và giá trị, như gạo đạt 4,5 triệu tấn, tương đương 2 tỷ USD, giảm 7% về lượng và giảm 3,7% về giá trị; sắn và sản phẩm của sắn đạt 2,3 triệu tấn, tương đương 739 triệu USD, giảm 1,4% và giảm 2,7%...
Nhiều năm nay, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nông sản chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam, bởi đây là thị trường "dễ tính", tiêu chuẩn thấp, không có hàng rào kỹ thuật… Tuy nhiên, sự "dễ tính" này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và ngày càng làm giảm giá trị của hàng nông sản Việt Nam.
Tránh lệ thuộc một thị trường
Đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho thấy Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản (bao gồm cả gạo) chiếm tỷ trọng hơn 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm gần 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 1,5 tỷ USD từ năm 2000 tăng lên 13,3 tỷ USD năm 2013. Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc với tỷ trọng lớn như gạo, cao su, trái cây…; trong đó riêng lúa gạo và cao su, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 40%. Đối với các sản phẩm nông sản khác như thanh long, bột sắn, dưa hấu, vải thiều thị trường Trung Quốc chiếm tới 80 – 90% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
Về nhập khẩu, Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc về cây, con giống, phân bón, thức ăn gia súc… Theo số liệu của Việt Nam, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc khối lượng 37 tỷ USD. Nếu tính theo số liệu của Trung Quốc thì con số này lên tới 42 tỷ USD.
Điều này đặt ra vấn đề là, một khi Trung Quốc cố tình không nhập, nhất là với các loại nông sản tươi sống có thời gian bảo quản ngắn, sẽ gây tổn thất rất lớn cho Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thậm chí phá sản. Nhưng theo các chuyên gia, dù gì thì Việt Nam cũng phải tiếp tục "làm ăn" với Trung Quốc. Để tránh phụ thuộc và bị động, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch, đừng nhìn vào cái lợi trước mắt mà "hạ thấp" chính mình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam phải nghiêm túc rà soát lại quan hệ thương mại, quan hệ kinh tế nói chung với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Còn về lâu dài, theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, Việt Nam phải bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu tổng thể nền nông nghiệp. Việc tái cơ cấu này nhiều địa phương đã làm nhưng còn mang tính manh mún, không có gì đột phá.
Và có thể ngay bây giờ, các nhà sản xuất trong nước phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, với lợi thế về nguồn cung cộng với chất lượng, Việt Nam dễ dàng giành thế chủ động đàm phán để cung ứng sản phẩm cho thị trường hơn 1,3 tỷ dân. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được mối quan hệ thương mại công bằng, nâng cao giá trị sản phẩm, tránh bị ép giá.
Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn
Không cho phép được "lơ là" trước sự "dễ tính" từ thị trường Trung Quốc, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (IPSARD), khuyến cáo người nông dân không vì cái lợi trước mắt, mà nên tìm tới những mặt hàng nông sản có tính ổn định cao, lâu dài…, và trên hết phải chú trọng tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Chúng ta không thể lờ đi việc đáp ứng các yêu cầu đối với chất lượng nông sản bởi tiêu thụ nông sản sạch là xu hướng tất yếu của tất cả các nước, trong khi Việt Nam đang nằm trong danh sách các nước có hàng nông sản bị trả lại vì không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Chẳng hạn, chè, rau quả, tôm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây chính là điểm yếu của chúng ta.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa SSC thuộc công ty CP Giống cây trồng Miền Nam, khi hướng đến các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu đô thị thì càng đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và mang đến giá trị riêng biệt. Trong đó, chỉ năng suất thôi là chưa đủ. Nếu không bảo quản kỹ thì sáng là rau nhưng chiều là rác.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp nâng cao chất lượng nông sản Việt khả thi nhất là tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị ngành hàng, như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu. Nếu không phát triển chuỗi thực phẩm an toàn thì uy tín, sức cạnh tranh sản phẩm không cao, ngay cả ở thị trường nội địa.
Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm.