Xuất khẩu nông sản hữu cơ: Xu thế, cơ hội và thách thức nhìn từ mặt hàng điều hữu cơ
Người tiêu dùng toàn cầu đang dần chuyển đổi thói quen sử dụng thực phẩm có nguồn gốc gần với tự nhiên nhất, đáp ứng nhu cầu không chỉ no đủ, mà còn phải đảm bảo tốt cho sức khỏe và lối sống lành mạnh. Để đáp ứng xu thế tiêu dùng này, tham gia sản xuất, xuất khẩu nông sản hữu cơ (organic) chính là hướng đi bền vững, lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua phân tích những lợi thế, cũng như khó khăn của hoạt động xuất khẩu mặt hàng điều hữu cơ, tác giả để xuất một số giải pháp, nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản hữu cơ của Việt Nam trong thời gian tới.
Giới thiệu
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ ngày một gia tăng trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ vào các thị trường, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu cao đối với mặt hàng này nhưng khó tính như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, cho đến bảo quản, xuất khẩu...
Trong bối cảnh nguồn lực của người dân và doanh nghiệp có hạn, họ rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ phía cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ chế, chính sách; vốn; kỹ thuật; thị trường…, nhằm giúp ngành hàng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam sớm tận dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong thời gian tới.
Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ
Khái niệm về nông nghiệp hữu cơ
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản xuất nông nghiệp hữu cơ là: "Hệ thống bao gồm tổng thể các yếu tố cơ khí, sinh học và nuôi trồng nhằm mục đích tái sử dụng tài nguyên, thúc đẩy cân bằng sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học”.
Cơ quan quản lý nông nghiệp của EU cũng đưa ra các quy tắc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm cơ sở cho các tiêu chuẩn hàng hóa được công nhận là hữu cơ được nhập khẩu vào khối này. Cụ thể, các quy định này bao trùm những quy tắc chung và cụ thể nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học của châu Âu và xây dựng lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm hữu cơ. Nội dung bao trùm mọi khía cạnh của sản xuất hữu cơ từ khâu gieo trồng tới sản phẩm cuối cùng được chế biến. Theo đó, trong sản xuất, nuôi trồng hữu cơ không cho phép sử dụng các sinh vật biến đổi gen (GMOs), bức xạ ion; hạn chế sử dụng phân bón nhân tạo, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu; cấm sử dụng hormone; chỉ sử dụng kháng sinh trên động vật khi không còn giải pháp nào khác với sức khỏe vật nuôi. Điều này đồng nghĩa, việc sản xuất sản phẩm hữu cơ phải tìm các hướng tiếp cận khác so với canh tác, nuôi trồng truyền thống để duy trì độ phì nhiêu của đất và bảo đảm sức khỏe của cây trồng, vật nuôi. Đây là một thách thức mới trong sản xuất nông nghiệp để giải quyết bài toán năng suất.
Xu thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và cơ hội xuất khẩu
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được cho là xu thế chính và tất yếu trong tương lai, bởi không chỉ mang tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, mà còn an toàn cho chính người sản xuất. Bên cạnh đó, điểm ưu việt vượt trội của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống chính là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Do đó, xuất khẩu nông sản hữu cơ có nhiều lợi thế thâm nhập các thị trường khó tính, như: EU và Hoa Kỳ.
Giá trị nông sản hữu cơ cũng vượt trội so với giá bán thông thường. Đơn cử như các mặt hàng quế, hồi, điều nhân, hồ tiêu hay cơm dừa, giá bán dòng sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận Organic EU và Organic USDA cao hơn từ 10% đến 25%, thậm chí cao hơn nữa so với sản phẩm thông thường cùng loại.
Không những thế, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng hữu cơ tại nhiều thị trường, như: châu Âu, Hoa Kỳ ngày một gia tăng, do thay đổi thói quen ăn uống: người tiêu dùng có xu thế ăn các sản phẩm sạch có nguồn gốc tự nhiên, không chứa gluten, có tác dụng giảm cân, thay thế thịt và các sản phẩm thông thường (Maximize Market Research, 2023).
Xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam
Là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á (Ánh Tuyết, Hữu Nghĩa, Thiên Vương, 2023).
Tiềm năng, giá trị kinh tế xuất khẩu nông sản hữu cơ rất lớn, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm trong tổng số trên 53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 (Trần Ngọc, 2023), tức chưa tới 0,7%. Đây là con số khá khiêm tốn so với nguồn lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn các Phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) (2021), giá trị hàng hữu cơ thế giới đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, các thị trường nhập khẩu sản phẩm hữu cơ lớn nhất bao gồm: Hoa Kỳ (44,7 tỷ Euro); Đức (12 tỷ Euro); Pháp (11,3 tỷ Euro). Đây cũng chính là các thị trường xuất khẩu nông sản hữu cơ lớn nhất của Việt Nam.
Nông sản hữu cơ được coi là xu thế tất yếu và thực tế các thị trường cao cấp, như: châu Âu và Hoa Kỳ đang có nhu cầu lớn và không ngừng gia tăng nhập khẩu mỗi năm. Tuy là một nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như: gạo; điều, hồ tiêu…, nhưng giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới còn thấp (Bảng).
Theo báo cáo của Cơ quan phát triển nông nghiệp và nông thôn Liên minh châu Âu, Việt Nam chỉ đứng thứ 39 về giá trị hàng hóa nông nghiệp hữu cơ nhập khẩu vào thị trường này, với giá trị chưa tới 16 triệu USD trong năm 2021. Đứng đầu danh sách này là Ecuardo với giá trị xuất khẩu hàng nông sản hữu cơ đạt trên 345 triệu USD (chiếm 12% thị phần) vào thị trường EU.
Góc nhìn từ xuất khẩu điều hữu cơ
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2023, tổng diện tích trồng điều cả nước đạt khoảng 320.000 ha, giảm 2.300 ha so với năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến đạt 345.000 tấn, tăng 3.300 tấn. Năng suất bình quân đạt 1,15 tấn/ha, tăng 30kg/ha. Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá (Mạnh Hùng, 2023). Tuy nhiên, số lượng công ty sở hữu chứng chỉ hữu cơ phục vụ cho xuất khẩu chỉ là vài chục, con số quá khiêm tốn so với số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu điều của Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân như sau:
Một là, tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên (TCVN 11041-1:2017) dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhưng những tiêu chuẩn hữu cơ này hầu hết không có giá trị khi xuất khẩu, vì mỗi thị trường sẽ có các quy định riêng nhằm kiểm soát chất lượng hàng hữu cơ nhập khẩu, như: Organic EU với thị trường EU, Organic USDA với thị trường Hoa Kỳ, JAS cho thị trường Nhật Bản. Như vậy, để xuất khẩu điều hữu cơ vào thị trường EU và Hoa Kỳ, hai trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của điều Việt Nam, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện cần là có chứng chỉ Organic EU hoặc Organic USDA. Trong khi đó, việc cấp chứng chỉ được áp dụng riêng với khâu trồng trọt (vùng trồng) và sản xuất (nhà máy). Bộ tiêu chuẩn quản lý sản xuất nông sản hữu cơ của hai thị trường này gồm chi tiết các yêu cầu rất khắt khe liên quan đến các đặc điểm về thổ nhưỡng, như: đất, nước, khí hậu của vùng trồng, tập quán canh tác. Tất cả các hoạt động diễn ra trên mỗi trang trại của nông hộ đều được ghi chép vào nhật ký nông hộ thông qua đội ngũ kiểm soát nội bộ quản lý vùng trồng (Internal control system - ICS). Các nông hộ tham gia sản xuất hữu cơ đều phải ký cam kết thực hiện đầy đủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ và tham gia các đợt tập huấn hàng năm.
Hai là, khâu sản xuất cũng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng nhiễm chéo và có thể truy xuất nguồn gốc, một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất hữu cơ, khác biệt so với sản xuất, xuất khẩu thông thường. Từng sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều có thể được truy xuất nguồn gốc tới từng thửa đất canh tác của từng nông hộ và từng đợt thu hoạch thông qua mã truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, để đảm bảo quy trình canh tác và sản xuất hữu cơ tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, hằng năm các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện tái đánh giá 1 lần/năm kèm theo đó là không giới hạn các đợt đánh giá đột xuất không báo trước. Điều này khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ba là, việc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn Organic EU hay Organic USDA mới chỉ là bước đầu và không đồng nghĩa các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sau đó đều được chứng nhận là hữu cơ. Các lô hàng khi xuất khẩu đều phải trải qua quy trình xin cấp COI (Certificate of inspection) cho hàng hữu cơ xuất khẩu vào thị trường EU, hoặc TC (Transaction certificate) cho hàng hữu cơ xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Chỉ khi được phê duyệt COI/TC, lô hàng mới được xác nhận đủ tiêu chuẩn hữu cơ vào hai thị trường này. Kể từ đầu năm 2023, theo thông tin từ Liên minh Kiểm soát (Control Union), một trong các đơn vị được uỷ quyền đánh giá chứng nhận và giám sát sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic EU và Organic USDA, tất cả các lô hàng khi nộp hồ sơ xin cấp COI/TC đều phải phân tích mẫu để đảm bảo hàng hóa không nhiễm các chất cấm (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất hóa học…) quy định với hàng hữu cơ. Hiện nay, tất cả các đơn vị được EU và USDA ủy quyền đánh giá chứng nhận hữu cơ đều là các tổ chức của nước ngoài. Chi phí đánh giá và duy trì chứng nhận rất cao. Các doanh nghiệp sản xuất điều hữu cơ cũng chưa nhận được những hỗ trợ đáng kể nào về mặt cơ chế, chính sách nhằm tạo lợi thế cạnh trạnh trong sản xuất, xuất khẩu.
Chưa dừng lại ở đó, hàng hóa khi xuất sang thị trường EU hay Hoa Kỳ vẫn có thể được lấy mẫu phân tích và nếu phát hiện các chất cấm, lô hàng vẫn sẽ bị hạ cấp xuống hàng hóa thông thường. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ phải đền bù cho khách hàng phần giá trị gia tăng khách hàng phải trả cho hàng hữu cơ. Đồng thời, quy trình xử lý khiếu nại/sự cố với xuất khẩu hàng hữu cơ sẽ được kích hoạt, các doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng xuất khẩu hàng hữu cơ cho đến khi nguồn gốc sự cố được tìm ra, giải quyết thỏa đáng và được đơn vị cấp chứng nhận phê duyệt. Tất cả các yếu tố này khiến quy trình sản xuất, xuất khẩu điều hữu cơ có chi phí không hề thấp và không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng mạo hiểm đầu tư.
Bốn là, khó khăn liên quan đến từ tập quán, thói quen canh tác của nông dân trồng điều. Thông tin tác giả khảo sát một công ty xuất khẩu điều hữu cơ vào thị trường Hoa Kỳ và EU cho thấy, doanh nghiệp hiện có vùng nguyên liệu trên 1.000 ha được chứng nhận tiêu chuẩn Organic EU và Organic USDA, nhưng có tới trên 500 hộ trong danh sách quản lý, trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 2 ha diện tích điều hữu cơ. Việc quản lý số lượng nông hộ lớn trên một đơn vị diện tích gây ra nhiều khó khăn về chi phí quản lý, chưa kể đến năng suất điều hữu cơ trong thời gian đầu chuyển đổi khá khiêm tốn. Thách thức nữa là đa phần nông hộ là đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều hạn chế về trình độ nhận thức, cũng như tư duy canh tác truyền thống đã ăn sâu vào đời sống của người dân, khiến cho việc triển khai phương thức canh tác điều hữu cơ gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản hữu cơ
Từ thực tế sản xuất, xuất khẩu điều hữu cơ, có thể nhận thấy bên cạnh những cơ hội, như: giá trị cao, nhu cầu các thị trường cao cấp rất lớn…, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này hiện gặp không ít khó khăn, thách thức. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản hữu cơ nói chung, mặt hàng điều hữu cơ nói riêng trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, về mặt cơ chế chính sách: Chính phủ và các ngành liên quan cần có chính sách quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hữu cơ tập trung phục vụ cho xuất khẩu, tránh tình trạng manh mún dẫn tới khó quản lý, tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo khung pháp lý cho phát triển nhanh hạ tầng thị trường theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng kết nối thị trường các vùng, khu vực theo không gian lãnh thổ kinh tế, kết nối với thị trường các nước ASEAN trong một không gian thị trường thống nhất, đồng thời kết nối với không gian thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, để gia tăng cơ hội cho tiêu thụ nông sản hữu cơ. Tập trung hoàn thiện chính sách khuyến khích các chủ thể trong nước phát triển nhanh hệ thống phân phối nông sản, thực phẩm ở thị trường nội địa và các nước có lợi thế cạnh tranh nhằm hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản hữu cơ.
Thứ hai, về chi phí sản xuất và truyền thông về nông nghiệp hữu cơ: Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu nông sản hữu cơ cần có những hỗ trợ nhất định về mặt chi phí, chẳng hạn chi phí đánh giá sản phẩm, mua phân bón hữu cơ…, nhằm khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, cũng cần có những hỗ trợ liên quan đến tập huấn, tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng, đồng hành phát triển nông sản hữu cơ cùng doanh nghiệp. Nhà nước cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tư duy quản lý về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường nông sản hữu cơ…
Thứ ba, về mặt công nghệ, đầu tư: Cần có các chương trình hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ quản lý nuôi trồng, sản xuất, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản hữu cơ, nhằm thúc đẩy dòng sản phẩm này phát triển hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới. Cần có các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài uy tín tham gia đầu tư, xuất khẩu nông sản hữu cơ Việt.
Tài liệu tham khảo:
1. Ánh Tuyết, Hữu Nghĩa, Thiên Vương (2023), Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ, truy cập từ https://nhandan.vn/bat-kip-xu-huong-nong-nghiep-huu-co-post740760.html.
2. Chí Tuệ (2022), Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 53 tỉ USD, truy cập từ https://tuoitre.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-ky-luc-moi-53-ti-usd-20221227110509714.htm.
3. EU Agriculture and Rural Development (2022), Agriculture Market Brief, Brussels: EU Agriculture and Rural Development.
4. European Union (2023), Organic production and products, retrieved from https://agriculture.ec.europa.eu/farming/organic-farming/organic-production-and-products_en.
5. FiBL & IFOAM (2021), World Organic Congress 2022, Bonn, Germany: IFOAM, retrieved from https://agriculture.ec.europa.eu/system/files/2022-09/agri-market-brief-19-organic-imports_en.pdf.
6. Maximize Market Research (2023), Maximize Market Research, retrieved from Global-organic-cashew-nuts-market: https://www.maximizemarketresearch.com/market-report/global-organic-cashew-nuts-market/99815/.
7. Mạnh Hùng (2023), Vinacas kiến nghị giải pháp gỡ khó cho ngành điều, truy cập từ https://baochinhphu.vn/vinacas-kien-nghi-giai-phap-go-kho-cho-nganh-dieu-102230727214948782.htm.
8. US Department of Agriculture (2023), Organic Production, retrieved from https://www.usda.gov/.