Xuất khẩu phải hiểu rõ luật
(Tài chính) Không ít doanh nhân vẫn còn chưa nắm rõ các quy định luật pháp, am hiểu tường tận về chính ngành nghề kinh doanh của mình. Hệ lụy là dẫn đến việc đưa ra những kiến nghị sai, thậm chí còn gây hiểu lầm rằng cơ chế chính sách của Nhà nước, cơ quan chức năng đang cố tình gây khó cho ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh...
Tuy nhiên, trong số những ý kiến phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng cho thấy không ít doanh nhân vẫn còn chưa nắm rõ các quy định luật pháp, am hiểu tường tận về chính ngành nghề kinh doanh của mình. Hệ lụy là dẫn đến việc đưa ra những kiến nghị sai, thậm chí còn gây hiểu lầm rằng cơ chế chính sách của Nhà nước, cơ quan chức năng đang cố tình gây khó cho ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, “bít” lối đi của DN trong quá trình phát triển.
CTCP Thực phẩm Bình Tây (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm ăn liền, chủ yếu là các mặt hàng bún, miến gạo, phở khô… với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường. Trong quá trình xuất hàng đi một số nước như Mỹ, Úc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… DN nhận thấy một số bà con Việt kiều cũng như đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng gạo thơm đặc biệt với số lượng nhất định.
Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT công ty cho rằng, thị trường nhập khẩu có nhu cầu, trong khi DN có kinh nghiệm và năng lực xuất khẩu, nhưng đến nay công ty vẫn chưa có được giấy phép để xuất khẩu mặt hàng gạo thơm đặc biệt, dù đã đi đến gõ cửa nhiều cơ quan chức năng.
Bà Giàu kiến nghị, sau này khi xây dựng cơ chế chính sách, mà cụ thể là đề án phát triển thị trường nước ngoài cho các DN xuất khẩu Việt có tầm nhìn đến năm 2030, cần đề cập rõ hơn đến những lĩnh vực là thế mạnh của các DN trong nước vốn có quy mô nhỏ và vừa, nên thường đi vào các lĩnh vực hàng hóa mang tính đặc thù, thị trường, sản phẩm ngách để dễ chen chân.
Các mặt hàng này có thể số lượng xuất khẩu ít nhưng lại có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, muốn “đem chuông đi đánh xứ người”, trước tiên bản thân mỗi DN, doanh nhân phải am hiểu về quy định luật pháp, ngành nghề kinh doanh, sản phẩm muốn xuất khẩu và có được phép xuất khẩu hay không.
Không riêng gì tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác đều có những mặt hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đều phải có điều kiện, thậm chí cấm xuất, cấm nhập để bảo đảm an ninh quốc gia và những yếu tố phát triển bền vững của đất nước.
Đơn cử, mặt hàng gạo xuất khẩu có liên quan chặt chẽ với vấn đề an ninh lương thực và để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đúng hướng theo sự điều hành của Nhà nước, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế, Chính phủ đã có Nghị định 109/2010 quy định về vấn đề kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, thương nhân Việt Nam, DN FDI muốn xuất khẩu gạo đi nước ngoài phải đáp ứng đủ 4 điều kiện.
Cụ thể, DN phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Ngoài ra, kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận…
Điểm lại tình hình xuất khẩu trong suốt thời gian qua, không riêng gì mặt hàng gạo mà nhiều sản phẩm nông sản khác như cà phê, cao su, điều, tôm, cá tra… đã xuất hiện không ít tình trạng các DN nhỏ lẻ đua nhau xuất hàng ra ngoài biên giới không theo một quy tắc nào, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh tự hạ giá, phá giá, chèo kéo khách.
Hệ quả là không những DN tự hại nhau mà hàng hóa xuất khẩu bị “dìm giá”. Hình ảnh, thương hiệu Việt của nhiều mặt hàng cũng vì thế mà đi xuống trên đấu trường quốc tế.