Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Tăng vẫn lo
(Tài chính) Sau các vụ chống bán phá giá năm 2013 và gần đây nhất là Luật Nông trại (Farm Bill 2013), có thể thấy xuất khẩu sang Hoa Kỳ mặc dù tăng trưởng cao nhưng chưa bao giờ “xuôi chèo” với các doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam- Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng mạnh 25,8% cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 26,5% và các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Hoa Kỳ đạt 936 triệu USD, tăng 22,4% so. Như vậy, 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu gần 3 tỷ USD vào thị trường Mỹ.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đào Trần Nhân, Hoa Kỳ luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn trong những năm gần đây. Cụ thể trong năm 2010, mức thặng dư hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua con số 10 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2009. Đến năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao gấp 4,5 lần so với nhập khẩu dẫn đến mức xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này đạt con số kỷ lục 18,6 tỷ USD.
Dệt may vẫn là ngành hàng dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ với trị giá xuất khẩu trong năm 2013 là 8,6 tỷ USD, chiếm đến 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này và chiếm gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện năm 2013 tăng trưởng mạnh, đạt 753 triệu USD, cao gấp 5 lần so với năm 2012.
“Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm thì trong vòng 5 năm tới khả năng con số này sẽ còn tăng gấp đôi, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015”, Tham tán Thương mại Đào Trần Nhân chia sẻ.
…vẫn lo
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó bởi những nhóm lợi ích của Hoa Kỳ có xu hướng muốn ngăn cản hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thông qua các rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đơn cử, trong năm 2013, Việt Nam đã chịu nhiều vụ kiện chống bán phá giá cá tra, các basa của Việt Nam và vụ kiện về mặt hàng ống thép của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ.
Tham tán Đào Trần Nhân “TPP chắc chắn là cú hích với hàng xuất khẩu của Việt Nam về thuế quan khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng vấn đề các hàng rào kỹ thuật phi thuế có thể vẫn “đeo bám” các doanh nghiệp Việt Nam”.
Ở khía cạnh khác, Luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm dự kiến được đưa ra vào giữa 2015 với một số quy định mới như quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba... chắc chắn sẽ là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
“Vấn đề này thương vụ đã cảnh báo cho các doanh nghiệp và các bộ, ngành trong nước để biết và chủ động hợp tác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để mời những chuyên gia của Mỹ sang đào tạo cho doanh nghiệp về đạo luật mới này để tránh tình trạng xảy ra rồi mới lo chạy theo giải quyết”- ông Đào Trần Nhân cho hay
Cũng phải nhấn mạnh rằng, một khi có các cảnh báo thì doanh nghiệp cần xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và có sự điều hòa số lượng hàng xuất khẩu cũng như điều hòa về giá, thậm chí nếu bán quá rẻ sẽ bị quy vào việc bán phá giá.
Đối với dự Luật Nông trại 2013 vừa được Tổng thống Hoa Kỳ ký giữa tháng 2/2014 thì việc chuyển đổi chương trình giám sát cá da trơn trong đó có cá tra và cá basa Việt Nam từ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sang cho Bộ Nông nghiệp quản lý có thể sẽ gây khó khăn không nhỏ cho hàng thủy sản Việt Nam bởi các tiêu chuẩn ngang hàng với doanh nghiệp Mỹ từ quy trình từ sản xuất, xuất khẩu, đóng gói…
Ngoài ra, hàng năm Hoa Kỳ còn có chương trình rà soát hành chính đối với cá tra và cá basa. Trước đây, Hoa Kỳ thường lấy Banglades để so sánh giá với VN để chống bán phá giá nhưng hiện Hoa Kỳ lại đang muốn chuyển sang lấy Indonesia để so sánh giá. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chú ý tới việc tăng số lượng xuất khẩu đột biến, bởi dấu hiệu tăng số liệu xuất khẩu đột biến sẽ liên quan đến chống bán phá giá, đây thường được coi là cơ sở để tiến hành điều tra.