Xuất khẩu tăng mạnh 3 con số, gạo Việt Nam "rộng cửa" tại thị trường Senegal
Senegal là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này tăng 215%.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết, Senegal là thị trường tiêu thụ nhiều gạo hàng năm, chủ yếu là gạo 100% tấm giá rẻ. Đây là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi, khoảng 117 kg/người/năm.
Thị trường đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam
Theo số liệu từ Trung tâm thống kê của nước này, năm 2023 nhập khẩu gạo của Senegal đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch hơn 500 triệu USD. Các nước cung cấp chính gồm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan, Uruguay, Việt Nam… Ngoài phục vụ thị trường trong nước hơn 18 triệu dân, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước láng giềng như Mauritania, Guinea-Bissau và Gambia.
Về chính sách, từ năm 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Senegal đã thực hiện chính sách phát triển trồng lúa nước để bảo đảm tự túc lương thực, tuy nhiên chỉ đáp ứng được từ 25% - 30%.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch 5,35 triệu USD (tăng 215% so với năm 2022). Trong 2 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.
Các loại thuế liên quan đến nhập khẩu gạo vào Senegal trong khuôn khổ biểu thuế chung của Liên minh kinh tế - tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm: gạo trắng, gạo lức, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; gạo tấm, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; các loại gạo khác, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%.
Đầu năm 2022, trước tình trạng tăng giá lương thực, để giữ vững sức mua của người dân, Chính phủ Senegal đã đưa ra một loạt biện pháp trong đó có loại bỏ thuế VAT đối với gạo nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu gạo tấm và gạo thường từ 12,7% xuống còn 2,7%.
Thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Senegal
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, hiện nay gạo Việt Nam có một số thuận lợi khi thâm nhập thị trường Senegal. Thuận lợi đầu tiên, đây là thị trường gạo lớn, với nhu cầu nhập khẩu ở mức cao do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ cầu nội địa.
Senegal là thành viên của Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước có biểu thuế nội khối thống nhất. Thâm nhập thị trường này, gạo Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu 17,3 triệu người tiêu dùng Senegal mà còn có cơ hội cung cấp cho các nước khác trong khối, nhất là các quốc gia láng giềng như Mali, Guinea Bissau, CH Guinea, Mauritania và Niger.
Trong bối cảnh nguồn cung lúa mì châu Âu khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm 2024, khả năng nước này sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á.
Tháng 3/2023, Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 250.000 tấn gạo tấm sang Senegal. Quyết định này được xem là động thái hỗ trợ một số nước Tây Phi của Ấn Độ mặc dù nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và đánh thuế 20% với việc xuất khẩu các loại gạo khác kể từ tháng 9/2022. Trong cuộc thảo luận về nông nghiệp tại cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 2/2024, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Thương mại Senegal đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Campuchia về việc nhập khẩu gạo từ quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có một số khó khăn cho gạo Việt Nam khi tiếp cận thị trường Senegal. Trên thị trường, gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt về giá với gạo Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Tây Ban Nha. Hiện nay, Việt Nam không sản xuất nhiều gạo 100% tấm giá rẻ để xuất khẩu sang Senegal. Xuất khẩu gạo sang Senegal nói riêng và châu Phi nói chung phần lớn vẫn thực hiện qua trung gian là thương nhân châu Âu hoặc Trung Đông…
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Senegal. Cùng với việc cập nhật diễn biến thị trường và các chính sách của chính phủ nước này liên quan đến mặt hàng gạo, Thương vụ sẽ tăng cường liên hệ với Bộ Thương mại và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar, Senegal để kết nối với doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức hội thảo giao thương trực tuyến Việt Nam - Senegal kết nối doanh nghiệp hai nước trong đó có mặt hàng gạo; thúc đẩy phía Senegal có ý kiến về khả năng ký MOU về thương mại gạo với Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Senegal, Thương vụ khuyến nghị giá xuất khẩu cần hợp lý vì giá gạo các nước như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan hiện tại cạnh tranh hơn về giá. Đặc biệt lưu ý đối với thị trường Senegal, bên cạnh yếu tố giá rẻ thì cần nắm được nhu cầu tiêu thụ của người dân nước này là gạo 100% tấm. Đồng thời cần xem xét, tính đến hướng mở kho ngoại quan, hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo tại thị trường này.