Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng và đối mặt thách thức mới
2024 hứa hẹn là năm thành công với ngành thủy sản khi xuất khẩu có thể cán mốc 10 tỷ USD. Bước sang năm 2025, xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt những thách thức mới.
Tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, tăng 22% trong tháng 11 và dự báo cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm.
Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng và dự báo chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm. Cá ngừ dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng 8% so với tháng 11.2023 và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ tăng trưởng tới 180%.
Không chỉ các sản phẩm chủ lực, ngành xuất khẩu thủy sản còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng và dự báo cả năm đạt 264,6 triệu USD.
Về thị trường, Trung Quốc - Hong Kong đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới. Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11.2024 nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này với tổng kim ngạch 6 tỷ USD.
Rủi ro thuế, thiếu nguyên liệu và áp lực cạnh tranh
Về triển vọng năm 2025, VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà tăng trưởng nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức mới; đặc biệt là từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Đồng thời, từ năm 2025, EU sẽ áp dụng những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với ngành thủy sản, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và sự bền vững. Đó là những thách thức về chi phí và yêu cầu cải tiến quy trình sản xuất, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư vào công nghệ xanh và cải thiện quy trình, đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể. Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi khó tiếp cận vốn để nâng cấp công nghệ và đạt chứng nhận bền vững.
Bên cạnh yếu tố tác động thị trường, các mặt hàng chủ lực của ngành như tôm, cá tra, cá ngừ cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực, từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long tăng khá mạnh. Nguyên nhân do sức cung giảm, sức cung giảm là do tôm nuôi nhiễm bệnh khá trầm trọng. Do hấp dẫn về giá, từ tháng 10 đến nay tình hình thả nuôi mới diễn tiến khá rầm rộ. Hiện là cuối mùa mưa bão, rủi ro trong nuôi tôm đã giảm, nhưng tình hình ao tôm thả mới bị thiệt hại thì chưa cải thiện. Trong vòng một tháng sau khi thả nuôi, tình trạng ao tôm đã bị nhiễm bệnh khá phổ biến.
Ông Lực cho biết, với diễn biến này, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I/2025. Các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về cá tra, sức ép cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi, cá lóc, cá minh thái… ngày càng lớn. Hiện thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi phí nuôi cá tra; nhưng nguồn cung bột cá, dầu cá - nguyên liệu chính sản xuất thức ăn hiện có xu hướng giảm cùng với các quy định về đánh bắt bất hợp pháp ngày càng chặt chẽ khiến việc lệ thuộc vào nguồn cung này trở nên không bền vững trong tương lai. Đồng thời, các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc đang mở rộng diện tích nuôi cá tra và chế biến các sản phẩm thủy sản tương tự.
Với chiến lược tiếp cận thị trường tốt, họ đang từng bước chiếm lĩnh được một vài thị trường với giá phù hợp với phân khúc thị trường mà họ đang hướng tới. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc duy trì và mở rộng thị phần, đặc biệt tại các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Đối với mặt hàng cá ngừ, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý vì vướng quy định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500mm). Theo quy định này, nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ được khai thác thì không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác để phục vụ xuất khẩu.