Xuất khẩu tôm phục hồi dịp cuối năm?
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm tính đến tháng 8/2018 có xu hướng chững lại do xuất hiện một số yếu tố không thuận lợi, từ giá tôm nguyên liệu tới nhu cầu nhập khẩu. Song, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm kỳ vọng có sự tăng trưởng trở lại, nhờ nhu cầu nhập khẩu và giá tôm phục hồi những tháng cuối năm.
Xuất khẩu chững lại
Theo số liệu của VASEP, sau khi giảm 5% trong quý II/2018, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 20,3% xuống 294,5 triệu USD trong tháng 7 và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8, chỉ đạt khoảng 345 triệu USD. Tính đến hết tháng 8/2018, xuất khẩu tôm của cả nước đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mức dự báo lạc quan, nếu xuất khẩu tôm 4 tháng cuối năm tăng nhẹ so với những tháng qua thì xuất khẩu tôm năm 2018 chỉ có thể đạt khoảng 3,7-3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017.
Sự sụt giảm xuất khẩu liên tục ở mặt hàng tôm trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung.
VASEP cũng cho biết, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm gần 25%. Xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nhưng đến tháng 7 giảm 14,6%, còn 74 triệu USD.
VASEP cho rằng, nguyên nhân có thể do giá tôm nguyên liệu giảm, ảnh hưởng tới giá xuất khẩu.
Thách thức từ thị trường Mỹ
Không chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá cao, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với những chính sách nghiêm ngặt của nước này nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Xuất khẩu tôm sang Mỹ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Nhìn lại số liệu tổng hợp của VASEP thấy, trong 10 năm gần đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng giảm thất thường, dao động từ 500 triệu USD đến hơn 1 tỷ USD. Sau khi đạt đỉnh năm 2014 với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu tôm sang Mỹ có xu hướng chững lại.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 255,7 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm.
Ngoài việc bị ảnh hưởng do giá tôm thế giới sụt giảm, nguồn cung tôm tăng thì xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sụt giảm khá mạnh chủ yếu là do có thuế chống bán phá giá cao và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nguồn cung tôm khác, nhất là từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.
Theo nhận định của VASEP, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Mới đây, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố tôm chính thức được đưa vào Chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP).
Theo đó, kể từ ngày 31/12/2018, các nhà nhập khẩu phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP như đáp ứng đầy đủ thông tin về thu hoạch, đánh bắt và hành trình di chuyển đến khi cập cảng vào Mỹ và có thể truy xuất lại trong vòng 2 năm… Quy định mới này đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng và có thể khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này bị chững lại trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với những chính sách bảo hộ mậu dịch khá “phi lý” của nước này nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
Đơn cử như đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) lên đến 25,39%, cao nhất từ trước đến nay.
Không chỉ vậy, xu hướng bảo hộ mậu dịch ở Mỹ đã lan truyền sang các nước khác, nhất là ở khu vực Trung Đông, cũng đang dựng lên những rào cản rất “phi lý” đối với thủy sản Việt Nam. Thời gian tới, ngành tôm cũng như thủy sản Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn do xu hướng bảo hộ mậu dịch mang tới, thông qua các rào cản về thuế và kỹ thuật.
Cơ hội doanh nghiệp khẳng định mình
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa mở ra cơ hội, vừa tạo nên thách thức cho ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Mỹ vẫn áp dụng mức thuế từ 0-5% đối với một số sản phẩm tôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong gói 200 tỷ USD Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc thì Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc.
Theo VASEP, những mặt hàng tôm mà phía Mỹ dự kiến áp thuế lại là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Đây là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ nên có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ.
Thêm vào đó, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế. Hiện Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 5 cho Mỹ, chiếm 8,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Trong khi Trung Quốc là nguồn cung lớn thứ 6 cho Mỹ, chiếm 4,8% thị phần.
Tuy vậy, cuộc chiến này cũng mang tới nhiều thách thức cho ngành tôm Việt Nam. Do phải chịu thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc.
Bởi lẽ, nhập khẩu tôm nguyên liệu chiếm tới 94% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017.
Thêm vào đó, bối cảnh chiến tranh thương mại sẽ khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam. Cũng có khả năng doanh nghiệp tôm Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường, VASEP cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình.
Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA đã ký kết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và Nhân dân tệ để có đối sách kịp thời.
Bên cạnh những lợi thế về sản xuất, ngành tôm cũng đang có nhiều cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới có xu hướng gia tăng. Ông Phạm Hữu An, Giám đốc Công ty An Lộc Nguyên, cho biết, nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững.
Ông An cho hay, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2020 là 5.200.000 tấn, đến năm 2025 sẽ là 6.525.000 tấn; trong đó, nhu cầu tôm của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản cũng liên tục tăng và sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào hai thị trường này còn rất khiêm tốn. Do đó, dư địa để xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ và Nhật Bản là rất lớn.