Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp thủy sản

ThS. Đinh Thị Thu Hiền - Đại học Duy Tân

Với đặc thù sản xuất và cung ứng nhiều sản phẩm liên quan đến thủy sản cho khách hàng trong và ngoài nước, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Để quản lý được chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp phân tích để đánh giá và có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng. Bài viết làm rõ các phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp thủy sản có thể áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Trong quá trình kinh doanh, để nâng cao lợi nhuận các nhà sản xuất cần chú trọng đến phát triển các sản phẩm vừa phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa tăng về số lượng sản phẩm mặt khác phải đảm bảo và nâng cao hơn nữa đến chất lượng sản phẩm sản xuất ra.

Nâng cao chất lượng sản phẩm là tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm, tạo uy tín đối với người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tăng tốc độ sử dụng vốn và tối đa hóa được lợi nhuận. Do đó, việc phân tích chất lượng sản phẩm luôn là công việc được đặt lên hàng đầu đối với các DN, trong đó có DN kinh doanh về thủy sản.

Với đặc thù là DN sản xuất và cung ứng nhiều sản phẩm liên quan đến thủy sản cho khách hàng trong và ngoài nước, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn là mục tiêu quan trọng, để quản lý được chất lượng sản phẩm cần áp dụng những phương pháp phân tích để đánh giá và có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các DN kinh doanh thủy sản của nước ta được sự ưu ái của thiên nhiên nên nguồn hải sản rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, phát triển bền vững.

Trải qua hơn 58 năm hình thành và phát triển, ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân.

Sự hiện diện dân sự của hàng chục ngàn tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tỷ trọng của thủy sản trong khối nông, lâm và ngư nghiệp và trong nền kinh tế quốc dân tăng dần qua các năm. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự tăng trưởng ổn định của ngành Thủy sản trong thời gian qua khẳng định được vị thế quan trọng trong cộng đồng nghề cá thế giới, đứng thứ 8 về sản lượng khai thác thủy sản, thứ 3 về sản lượng nuôi thủy sản và thứ 3 về giá trị xuất khẩu thủy sản (FAO 2014).

Những thị trường chính đem lại nguồn lợi lớn cho các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Đức, Australia…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), “năm 2016, cơ cấu sản phẩm thủy sản Việt Nam không thay đổi về tỷ trọng so với năm 2015. Tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 44%, tiếp đến là cá tra (24%), cá ngừ (7%), các loại cá biển (16%), Mỹ duy trì vị trí đứng đầu với 21% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhờ xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ.

Tỷ trọng của Mỹ tăng thêm 2%, trong khi của Nhật Bản tiếp tục giảm từ 16% xuống còn 15% và Liên minh châu Âu (EU) giảm từ 18% xuống còn 17%. Năm 2016 với sự gia tăng nhập khẩu tôm sú, cá tra, cá ngừ nguyên liệu, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 12%, tăng 3% so với năm 2015”.

Mặc dù, đạt được những thành tựu trên nhưng DN ngành Thủy sản cũng đối mặt với những khó khăn, như: sản phẩm sản xuất ra dễ xảy ra tình trạng hư hỏng, chất lượng không đạt tiêu chuẩn, một sản phẩm có thể có nhiều chất lượng khác nhau, có sản phẩm đạt chất lượng cao nếu tuân thủ đúng yêu cầu như màu sắc, kích thước… có sản phẩm chưa đạt chất lượng...

Điều này do nhiều nguyên nhân, có thể quá trình sản xuất không được chú trọng, quy trình bảo quản không đảm bảo, các yếu tố đầu vào chưa đạt chất lượng, mặt khác để gia tăng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đối với ngành Thủy sản như chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nguyên liệu chất lượng, áp lực từ cạnh tranh… Từ đó thấy, chất lượng sản phẩm sản xuất ra là yếu tố quan trọng, quyết định đến hoạt động kinh doanh của DN thủy sản.

Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể đánh giá được chất lượng của sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn, chưa đạt tiêu chuẩn? Biện pháp nào để giải quyết nếu chưa đạt chất lượng? Các DN có quan tâm đến chất lượng của sản phẩm trong quá trình sản xuất? Trên thực tế, các DN đã quan tâm đến việc đánh giá chất lượng của sản phẩm thông qua những phương pháp cụ thể.

Những DN có quy mô thường sử dụng những phương pháp kiểm định mang lại hiệu quả cao nhất, trong khi những DN có quy mô vừa lại có những phương pháp đánh giá riêng, có thể sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá chất lượng sản phẩm như dựa vào kiểm soát đầu vào, kiểm soát quy trình sản xuất và kiểm soát đầu ra thông qua quá trình kiểm tra, quan sát, đối chiếu...

Việc đánh giá chất lượng sản phẩm sản xuất được thể hiện ở nhiều nội dung, nhiều công đoạn, có thể đánh giá chất lượng trước khi sản xuất, trong sản xuất và sau khi sản xuất, DN có thể đánh giá chất lượng khi kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào, kiểm soát quy trình đóng gói, dán nhãn, số seri...

Hiện tại, có những DN đánh giá chất lượng sản phẩm sản xuất thông qua những trung tâm kiểm định chất lượng như CASE - Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh, sử dụng phương pháp phân tích hóa lý và vi sinh trên thực phẩm với nhiều máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Đây cũng là biện pháp để DN thúc đẩy chất lượng của sản phẩm sản xuất ra, tuy nhiên phương pháp này thường tốn kém, những DN có quy mô mới có thể sử dụng phương pháp này.

Ngoài ra, có thể áp dụng những phương pháp phân tích chất lượng sau sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định, giảm thiểu lượng sản phẩm sản xuất ra bị hư hỏng, kém chất lượng. không tốn kém mà vẫn có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm sản xuất ra.

Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm

Mỗi DN kinh doanh những lĩnh vực khác nhau có thể sử dụng những phương pháp phân tích, đánh giá chất lượng khác nhau... Đối với DN thủy sản, vì tính chất đa dạng phong phú về lĩnh vực kinh doanh như chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu những sản phẩm thủy sản nên vấn đề kiểm soát chất lượng chưa thể đánh giá chính xác về chất lượng của sản phẩm.

Theo đề xuất của tác giả, có thể kết hợp sử dụng phương pháp kiểm soát theo quy trình đã có và phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm sản xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng của sản phẩm, đánh giá chính xác, chi tiết, cụ thể từng sản phẩm, từ đó có những biện pháp để cải thiện về chất lượng sản phẩm.

Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm sản xuất được sử dụng thông qua Hệ số phẩm cấp bình quân hoặc đơn giá bán bình quân. Tuy nhiên, phương pháp hệ số phẩm cấp bình quân được sử dụng nhiều nhất.

Đây là phương pháp được hình thành từ quá trình sản xuất khi cùng một yếu tố đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị) cùng một dây chuyển sản xuất nhưng kết quả đầu ra có thể là những sản phẩm đúng quy định, những sản phẩm chưa đúng quy định và bán thành phẩm.

Từ đó, việc đánh giá chất lượng sản xuất càng đạt tiêu chuẩn thì kết quả sản xuất càng cao, DN có nhiều lợi thế trong kinh doanh. Đây là phương pháp có thể được thực hiện bởi các nhân viên trong DN, cụ thể là phòng kế toán hoặc bộ phận quản lý chất lượng của DN.

Hệ số phẩm cấp bình quân được hiểu là tỷ số giữa tổng sản lượng từng thứ hạng phẩm cấp tính theo giá kế hoạch của từng thứ hạng phẩm cấp với tổng sản lượng từng thứ hạng phẩm cấp tính theo giá kế hoạch của phẩm cấp có thứ hạng cao nhất.

Đối với DN thủy sản, sản phẩm qua quá trình sản xuất thường cho ra nhiều sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật và nhiều sản phẩm chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật như tính thẩm mỹ, kích thước, màu sắc… những sản phẩm này đều được tiêu thụ ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau, nếu đạt tiêu chuẩn thì đơn giá cao, không đạt tiêu chuẩn đơn giá giảm dần. Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn được gọi là thứ hạng sản phẩm (phẩm cấp).

Theo đó, quy tắc chung của phương pháp này là sản phẩm có nhiều thứ hạng phẩm cấp đều được tiêu thụ ra thị trường với những mức giá khác nhau, nếu số lượng sản phẩm sản xuất ra càng ít thứ hạng phẩm cấp thì sản phẩm đó càng đạt tiêu chuẩn, đơn giá bán càng cao và lợi nhuận mang lại là tối đa và nếu số lượng sản phẩm sản xuất ra càng nhiều thứ hạng phẩm cấp thì tất nhiên vẫn tạo ra lợi nhuận nhưng trường hợp này lợi nhuận là thấp nhất.

Quá trình thực hiện: Đối với những DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, quá trình sản xuất có thể bằng thủ công hoặc theo dây chuyền sản xuất, nhân viên tiến hành quan sát, tổng hợp số liệu từng mặt hàng thủy hải sản. Số liệu này được chuyển về các bộ phận liên quan để tiến hành đánh giá chất lượng sản xuất cho từng loại mặt hành.

Cụ thể, nhân viên cần tổng hợp số liệu về số lượng sản phẩm sản xuất và đơn giá bán của từng sản phẩm. Nhân viên cần đánh giá trong số lượng sản phẩm sản xuất, những sản phẩm nào được xem là đạt tiêu chuẩn đã quy định, sản phẩm nào chưa đạt tiêu chuẩn, từ đó tổng hợp lại và tiến hành sử dụng phương pháp phân tích chất lượng theo hệ số phẩm cấp bình quân.

Công thức tính như sau:

Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 1

Hp: hệ số phẩm cấp bình quân

Qi: số lượng sản phẩm của thứ hạng phẩm cấp i

Pki: đơn giá kế hoạch của thứ hạng phẩm cấp i

PkI: đơn giá kế hoạch của thứ hạng phẩm cấp loại 1

Nếu Hp càng gần 1, chứng tỏ chất lượng sản phẩm sản xuất ra càng cao. Hp càng xa 1 thì sản phẩm sản xuất ra nhiều thứ hạng phẩm cấp, chất lượng sản phẩm sản xuất ra thấp.

Khi hệ số phẩm cấp bình quân thay đổi sẽ ảnh hưởng đến doanh thu cũng như lơi nhuận của DN, thể hiện qua công thức sau:

∆Gs = (Hp1 - Hpk) x ∑Q1i .PkI

Qua công thức trên, ta thấy nếu cùng một khối lượng sản phẩm sản xuất nhưng nếu tăng được hệ số phẩm cấp bình quân thì làm tăng được doanh thu. Do vậy, có thể nói: Nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng có nghĩa là nâng cao giá trị sản xuất của DN. Nếu ∆Gs >0 chứng tỏ doanh thu và lợi nhuận tăng và ngược lại.

 Chẳng hạn, DN A chuyên chế biến về thủy sản, cụ thể là sản phẩm mực, năm 2017 DN tiến hành chế biến theo quy trình sản xuất và đầu ra thu được là sản phẩm mực loại 1 và mực loại 2, trong đó quy định mực loại 1 (thứ hạng 1) là sản phẩm đạt tiêu chuẩn về màu sắc, kích thước... mực loại 2 (thứ hạng 2) là những sản phẩm chưa đúng theo tiêu chuẩn mà DN đề ra. Sau quá trình sản xuất thu được nhiều sản phẩm, qua quá trình kiểm tra có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn như sau:

Sản phẩm Mực

Khối lượng sản xuất kế hoạch (kg)

Khối lượng sản xuất thực tế (kg)

Đơn giá kế hoạch (1.000 đ)

Đơn giá thực tế (1.000 đ)

Loại 1

5.000

6.300

450

460

Loại 2

3.700

4.200

400

410

Nguồn: Mô phỏng của tác giả

Sử dụng phương pháp hệ số phẩm cấp bình quân, ta có:

Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 2

Với Hpk là hệ số phẩm cấp ở kế hoạch và Hp1 là hệ số phẩm cấp ở thực tế

Nhận thấy, khối lượng sản phẩm mực loại 1 và loại 2 ở thực tế sau khi sản xuất đều nhiều hơn so với kế hoạch đề ra. DN có thể nhận định khi khối lượng tăn hơn so với kế hoạch đề ra thì DN có thể cung cấp dư thừa nhu cầu của người tiêu dùng, có thể xuất khẩu, tạo ra doanh thu cao hơn.

Trong bước tính toán sử dụng duy nhất đơn giá bán ở kế hoạch, do trong quá trình sản xuất thì chỉ quan tâm đến sự thay đổi về khối lượng sản phẩm được tạo ra, chưa phân tích vào quá trình tiêu thụ nên không thể sử dụng đơn giá bán ở thực tế. Khi phân tích cần quan tâm khi sử dụng phương pháp này với một nhược điểm là thực tế đơn giá bán luôn thay đổi.

Khi so sánh hệ số phẩm cấp bình quân ở kế hoạch và thực tế không có sự chênh lệch lớn, hệ số phẩm cấp bình quân dao động từ 0.95 đến 0.96 (gần 1) nên chất lượng sản xuất sản phẩm mực năm 2017 được đánh giá là cao, hầu hết những sản phẩm Mực là sản phẩm đạt chất lượng cao (hầu hết là sản phẩm loại 1), làm cho giá trị sản xuất hay nói cách khác là doanh thu bán sản phẩm Mực tăng 1 lượng là 28.350 (1.000 đ).

Phương pháp này giúp DN xác định được doanh thu dự kiến có thể đạt được sau khi tiêu thụ, DN có thể làm căn cứ để đẩy mạnh hơn nữa quá trình tiêu thụ sản phẩm, nhằm tối đa nhất doanh thu có thể đạt được.

Tùy thuộc vào từng sản phẩm của DN kinh doanh các lĩnh vực khác nhau mà quá trình sản xuất hình thành ra những sản phẩm có nhiều thứ hạng phẩm cấp khác nhau. Không thể có một quy định chung về thứ hạng phẩm cấp. Để đánh giá được về thứ hạng phẩm cấp cần sử dụng một đội ngũ có tay nghề cao và có nhiều kinh nghiệm liên quan đến sản phẩm.

Đôi khi những sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn cao chiếm tỷ lệ ít hơn so với sản phẩm không đạt chất lượng, điều này do nhiều yếu tố khác nhau cấu tạo thành, có thể do chất lượng của các yếu tố đầu vào cũng có thể do quy trình sản xuất bị gián đoạn, máy móc không đảm bảo… Điều này làm cho doanh thu không cao. Do đó, để quá trình phân tích chất lượng có hiệu quả cần thiết phải xác định tương đối chính xác về thứ hạng của sản phẩm. Đây cũng được xem là một hạn chế trong thực hiện phương pháp này.

Kết luận

Phương pháp phân tích chất lượng sản phẩm sản xuất là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, không tốn chi phí phát sinh. Các DN có quy mô vừa hay quy mô lớn đều có thể thực hiện phương pháp này,việc sử dụng các dữ liệu phục vụ cho việc tính toán không khó khăn.

Nguồn dữ liệu phục vụ cho việc phân tích được sử dụng chủ yếu trong các báo cáo kế toán quản trị, nếu sử dụng số liệu ở kế hoạch, đơn giá kế hoạch DN có thể lấy trên các dự toán về tiêu thụ của từng sản phẩm, số liệu ở thực tế căn cứ vào quá trình sản xuất sau khi hoàn thành.

Kết hợp với các phương pháp như kiểm soát bên ngoài và phương pháp phân tích thông qua hệ số phẩm cấp bình quân sẽ cho DN những đánh giá chi tiết về từng sản phẩm, xác định được doanh thu tăng thêm hay giảm đi khi chất lượng sản phẩm sản xuất cao hay thấp.

Phương pháp này có thể được thực hiện theo định kỳ cho từng sản phẩm, từ đó DN có thể đánh giá được trong một thời gian dài đối với từng sản phẩm, DN có thể có chiến lược phát triển riêng cho từng sản phẩm dựa vào chất lượng sản phẩm sản xuất ra.

Nếu chất lượng sau khi xem xét là đạt tiêu chuẩn thì có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, ngược lại sau khi đánh giá phân tích nhận thấy chất lượng sản phẩm ngày càng giảm sút thì cũng có những phương hướng nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh.  

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Văn Dược (2008), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB Thống kê;

2. Bộ môn Kế toán quản trị -  Phân tích hoạt động kinh doanh (2006), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Thống kê;

3. VASEP, 10 sự kiện nổi bật ngành thủy sản năm 2017, http://vietnambiz.vn/10-su-kien-noi-bat-nganh-thuy-san-nam-2017-42871.html;

4. Tổng cục Thống kê, https://gso.gov.vn;

5. Tổng cục Thủy sản, https://tongcucthuysan.gov.vn.