Xuất khẩu Trung Quốc lập kỷ lục khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại châu Âu, Mỹ lên mạnh
Xuất khẩu tháng 8/2021 tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước lên kỷ lục 294,3 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với tháng liền trước. Nhập khẩu trong khi đó tăng 33,1% lên 236 tỷ USD.
Trong tháng 8/2021, tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ lên mạnh, các nhà cung cấp đẩy mạnh mua hàng trước thềm mùa mua sắm cuối năm, điều này giúp bù lại cho sự suy giảm của xuất khẩu do tình trạng gián đoạn hoạt động tại các cảng trong thời gian gần đây do biến chủng delta lây lan mạnh.
Theo Bloomberg, xuất khẩu tháng 8/2021 tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước lên kỷ lục 294,3 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với tháng liền trước. Nhập khẩu trong khi đó tăng 33,1% lên 236 tỷ USD, cũng là mức cao chưa từng có. Nhờ vậy Trung Quốc có thặng dư thương mại đạt 58,3 tỷ USD trong tháng 8/2021.
Đáng nói, xuất khẩu, nhập khẩu tại Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt dù rằng có những gián đoạn tại cảng lớn thứ 2 của Trung Quốc trong tháng trước do những đợt bùng dịch mới, tình trạng này gây ra nhiều sự gián đoạn và đẩy chi phí vận tải tăng vọt. Nhu cầu hàng hóa toàn cầu duy trì ở mức cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ và châu Âu khi mà các nhà bán lẻ đẩy mạnh mua hàng từ Trung Quốc chuẩn bị cho mùa bán hàng Giáng sinh.
“Mùa mua sắm Giáng sinh đã đến sớm hơn cả những năm trước đó”, chuyên gia về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ – ông Xing Zhaopeng, nhận xét. Nguyên nhân của việc xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt được cho là bởi nhu cầu cao đối với sản phẩm của Apple tăng cao, cùng lúc đó các đợt bùng dịch tại Đông Nam Á khiến cho các đơn hàng được chuyển hướng sang Trung Quốc. Ông Zhaopeng cho rằng xuất khẩu Trung Quốc sẽ vẫn cao trước tháng 11/2021.
Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc bao gồm hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao, quần áo và phụ kiện quần áo. Hai mặt hàng nhập khẩu chủ chốt bao gồm sản phẩm điện tử, hàng công nghệ cao.
Dấu hiệu tiêu dùng chững lại đang tăng lên trên toàn cầu khi mà số ca nhiễm COVID-19 tăng, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo về tăng trưởng xuất khẩu suy yếu trong khoảng thời gian còn lại của năm khi rủi ro tăng lên.
Kết quả các cuộc khảo sát vào tuần trước cho thấy số lượng các đơn hàng xuất khẩu tháng 8 suy giảm đến tháng thứ 4 liên tiếp. Cùng lúc đó, nền kinh tế nội địa nước này đang trải qua tình trạng đi xuống của ngành dịch vụ do các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời kỳ COVID-19, sự siết chặt chính sách trên thị trường bất động sản và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng suy giảm.
Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả của giới chức Trung Quốc đã khiến cho nhiều đơn hàng xuất khẩu chuyển từ các nước châu Á khác sang Trung Quốc. Nhiều nước đang có biện pháp kiểm soát gắt gao hoạt động đi lại của người dân nhằm ngăn sự lây lan của biến chủng delta, đồng thời chật vật trong việc duy trì sản xuất hoạt động hiệu quả. Lợi thế này sẽ có thể giảm đi một khi đại dịch được kiềm chế ở các nơi khác.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Societe Generale SA ở Hồng Kông, bà Michelle Lam, nhận xét: “Một yếu tố khiến cho xuất khẩu cao có thể là do tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn. Bà dự báo thương mại sẽ tiếp tục chững lại bởi xét đến sự suy giảm của đơn hàng xuất khẩu và khả năng tiêu dùng Mỹ đi xuống”.
Xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng mạnh sẽ mang đến yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy giảm bởi lĩnh vực bất động sản đi xuống và chính quyền nhiều địa phương hãm lại các đợt chào bán trái phiếu đặc biệt.
Giới chức Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ đồng thời cam kết sẽ sử dụng tốt hơn trái phiếu chính phủ Trung Quốc khi mà nền kinh tế có thêm nhiều dấu hiệu chững lại. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cung cấp 300 tỷ nhân dân tệ tức 46,4 tỷ USD nguồn vốn giá rẻ cho các ngân hàng để họ có thể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.